Người gìn giữ và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu tại xứ Mường Hòa Bình

17/04/2020 17:37

Với ước nguyện “Tu tâm, tích đức làm nhiều việc thiện để tích Đức, tích Phúc cho đời sau”. Đó là những chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn, thủ nhang đền Mẫu Linh Sơn Ngọc.

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn sinh ra và lớn lên tại Khu dân cư Vôi - Thị trấn Ba Hàng Đồi - Huyện Lạc Thủy – Tỉnh Hòa Bình. Tuổi ấu thơ của nghệ nhân gắn liền với truyền thống thờ Mẫu của gia đình có 4 đời là thanh đồng, đã và đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong dòng chảy văn hóa của người dân tộc Mường tại Hòa Bình gần 40 năm qua. Trao đổi với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nghệ nhân đã có 13 năm công tác trong quân ngũ, nhưng vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về hầu đồng, cái nghiệp hầu thánh đã quấn vào mình từ nhiều năm trước đó nên nghệ nhân đã xuất ngũ về với gia đình và cùng với mẹ đẻ của nghệ nhân tôn tạo phụng thờ ngôi đền Mẫu Linh Sơn Ngọc”. Hiện nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn là thủ nhang bản đền này.

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn (bên trái)

 

Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ rất sớm trong đời sống văn hóa của người Việt, mang đậm chất bản địa, nguyên thuỷ và tồn tại cùng chiều dài lịch sử của dân tộc. Nó có chiều hướng phát triển trong xã hội hiện nay, ở cả nông thôn, đô thị và miền núi, tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. Riêng tại Hòa Bình, một tỉnh tập trung sinh sống đông nhất của người dân tộc Mường lại có nhiều nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ cúng của cộng đồng dân cư nơi đây khá đặc biệt. 

Đối với người Mường Hòa Bình ngoài tục thờ tổ tiên, thổ công, thổ địa và thành hoàng làng... còn có tín ngưỡng đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh. Trong quan niệm xưa của họ, thần linh có thể là bất cứ thứ gì xung quanh cuộc sống hàng ngày như: mưa, gió, sấm, chớp, dòng sông ngọn suối, cây rừng đá núi... Ngoài ra, gắn liền trong cuộc sống sinh hoạt, người Mường rất quý trọng thầy Mo. Người Mường cho rằng thầy Mo chính là sứ giả giữa thế giới thần linh và nhân gian. Trong cộng đồng người Mường, thầy mo chính là người giữ trọng trách thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, tục thờ Mo Mường, Chúa Mường, Chúa Mán trở nên phổ biến và đặc trưng nhất của người Mường. Như vậy, có thể thấy tín ngưỡng dân gian đã tác động vào mọi mặt đời sống của người Mường, hình thành một hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán bền vững trong sản xuất, đời sống xã hội và tâm thức, tình cảm, nếp nghĩ của mỗi người dân tộc Mường. 

Giữ vai trò kế thừa và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hòa Bình, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn đã trải qua rất nhiều khó khăn để thay đổi nhận thức tín ngưỡng của người dân địa phương, thậm chí nhiều người cho rằng gia đình nghệ nhân là mê tín dị đoan. Thế nhưng, duyên nghiệp với đạo Mẫu đã giúp nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn làm sáng ngời tín ngưỡng thờ Mẫu tại nơi đây. Đồng thời, được sự kính trọng và tin yêu của khách thập phương, nghệ nhân đã mở phủ cho hàng trăm con nhang đệ tử từ Bắc vào Nam, dẫn dắt các đệ tử cả về lý thuyết và thực hành, thực hiện các công việc nhà thánh theo nhân duyên và chức nghiệp của mình. 

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn đã làm sáng ngời tín ngưỡng thờ Mẫu, dẫn dắt các đệ tử 
thực hiện các công việc nhà thánh

 

Không chỉ vậy, được rèn luyện trong môi trường quân đội và phát huy tố chất năng lực của một cán bộ Đoàn giỏi toàn quốc, hiện nay với cương vị là một hội viên Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, hội viên Viện nghiên cứu và phát triển đạo Mẫu Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn luôn tích cực sáng tạo hiệu quả trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, tham gia tổ chức dàn dựng các tiết mục hát văn, hầu đồng nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận năm 2016, nhiều tiết mục tác phẩm đã được tham gia biểu diễn tại các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng do huyện, tỉnh và trung ương tổ chức đạt kết quả cao xuất sắc.

Nhận thức được giá trị chân thiện mỹ của tín ngưỡng thờ Mẫu đối với người Việt. Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn còn hướng dẫn, truyền dạy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho nhiều người tại Hòa Bình với sức lan tỏa tre già măng mọc chung tay xây dựng và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến con trai của nghệ nhân là cháu Nguyễn Tuấn Hoàng, năm nay mới 13 tuổi nhưng đã có 7 năm tuổi phụng sự Thánh Mẫu với nhiều thành tích cao như: Giải vàng xuất sắc toàn diện tại liên hoan khảo sát nghi lễ chầu văn của người Việt năm 2017, bằng khen của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam…

Cháu Nguyễn Tuấn Hoàng - con trai nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn 
giành được rất nhiều giải thưởng dù chỉ mới 13 tuổi

 

Chia sẻ với phóng viên về trăn trở trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong giai đoạn hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Với cái nhìn cởi mở hơn của xã hội ngày nay, tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa hầu đồng ngày càng có chiều hướng phát triển rộng hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, vấn đề về thương mại hóa, sân khấu hóa, làm sai lệch trong nghi lễ hầu đồng, lợi dụng nghi lễ đã diễn ra. Theo nghệ nhân, để tín ngưỡng thờ Mẫu giữ được những giá trị truyền thống và phù hợp với thuần phong mỹ tục thì rất cần xây dựng quy ước cho việc tổ chức nghi lễ lên đồng từ lễ vật cúng tiến, hàng mã, phục trang, hóa trang, vũ đạo, âm nhạc cho đến cách thức ban phát lộc thánh… để tiến tới xây dựng những vấn hầu thanh lịch tránh phô diễn, khoe khoang giàu có, trục lợi cá nhân trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Song song với đó, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ những nhà khoa học để nhiều thanh đồng cũng tìm hiểu được giá trị đúng của di sản; Sự phối hợp giữa các nhà văn hóa, các cơ quan quản lý với các thanh đồng để tổ chức các liên hoan nhằm tạo sự phấn khởi cho các thanh đồng, làm sao để càng giao lưu, càng giữ được truyền thống, bảo tồn được di sản văn hóa đúng với nghĩa của nó”.

 

Bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện tại địa phương, quyên góp gạo, tiền ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, cùng gia đình tích cực tham gia công đức xây dựng, tôn tạo đình, đền, miếu chùa trên địa bàn tỉnh, qua đó giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử của địa phương. 

 

Trải qua hơn 20 năm phụng thờ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, bằng những đóng góp của mình nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn đã vinh dự được tặng nhiều Chứng nhận, Bằng khen, Giấy khen của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong và ngoài nước như: Được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch năm 2015; Năm 2017 Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam chứng nhận là nghệ nhân có công truyền dạy và bảo tồn phát huy nghi lễ chầu văn của người Việt. Được tặng bằng khen vì có thành tích đóng góp tích cực hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng phát triển Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam; Được tặng chứng nhận vinh danh vì sự nghiệp giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc do Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam trao tặng. Được tặng bằng khen đã có thành tích đóng góp vào xây dựng và phát triển Ban khảo sát nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống thuộc liên hiệp các hội Unesco Việt Nam.  

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen,...
cho những đóng góp của mình

 

Năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Tuấn được Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc chứng nhận có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc và quảng bá ra thế giới; Được Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ nhân bảo tồn, phát triển văn hóa dân gian Việt Nam. Năm 2019 được tôn vinh tinh hoa Việt chứng nhận nghệ nhân và dòng tộc họ Nguyễn họ Dư có truyền thống bảo tồn, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Được Viện tư vấn công nghệ và đào tạo toàn cầu tặng bảng vàng vinh danh là cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thời kỳ 4.0. Và được Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tặng chứng nhận vinh danh nghệ nhân tiêu biểu đất Việt. 

Lê Thủy

Lê Thủy