6 nhóm giải pháp bảo đảm việc cung ứng điện trong năm 2025

Để đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính.

Năm 2025 được coi là năm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho đất nước tâm thế sẵn sàng, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

6 nhóm giải pháp bảo đảm việc cung ứng điện trong năm 2025- Ảnh 1.

Chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất. Ảnh: Công Thương

Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vượt trội để tăng tốc, bứt phá và phát triển đã được Chính phủ đề xuất và được Trung ương thống nhất, trong đó có mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031.

Để đạt mục tiêu trên, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Mới đây, tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp" đã được tổ chức để giải quyết nhiều vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, chi nhánh Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp không phải là được sử dụng điện giá rẻ, mà là được sử dụng nguồn điện ổn định, có mức giá hợp lý, đúng theo cơ chế thị trường và bảo đảm chất lượng. Hiện nay, doanh nghiệp đã xây dựng phương án, kế hoạch chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh, năng lượng mặt trời, qua đó giảm áp lực cho ngành điện, đồng thời tăng tính tự chủ trong sử dụng điện.

Trong khi đó, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, nhấn mạnh vấn đề không đơn giản chỉ là giá điện tăng hay giảm, mà làm thế nào để giá điện phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất, bảo đảm ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia. Giải pháp căn cơ là cần 1 lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành, trong khi vẫn bảo đảm không tạo ra cú sốc về giá cho người dân và nền kinh tế.

Về phía Bộ Công Thương, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, cho biết vấn đề xác định giá, chi phí đã được quy định trong Luật Điện lực cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Công Thương. Những vấn đề này, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để thể chế hóa cụ thể.

Quay trở lại vấn đề cung ứng điện, đặc biệt trong năm 2025 và những năm sắp tới, ông Dương cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng nhất. Một là huy động tối đa được nguồn lực hiện hữu để chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra nhằm ứng phó những trường hợp đã dự báo. Hai là chuẩn bị cho việc đầu tư, phát triển và minh bạch về thị trường trong thời gian tới để bảo đảm phát triển ngành điện cũng như cung ứng điện ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế.

Để đảm bảo cung ứng điện năng cho năm 2025, ngay từ đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất, các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối sẽ phải đảm bảo kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, những thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất để đáp ứng nhu cầu điện trong năm.

Thứ hai, về mặt cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo ít nhất là lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa để cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.

Thứ ba, thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay, bao gồm một số dự án nguồn điện như hai tổ máy của Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 và một số dự án nguồn điện khác.

Song song với đó, một số dự án lưới điện quan trọng cũng đặt mục tiêu phải thúc đẩy nhanh để đưa vào vận hành, như dự án lưới điện 500 kV Lào Cai-Vĩnh Yên. Mục đích, mục tiêu là giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội. Theo kế hoạch, EVN đang hết sức quyết liệt đưa vào vận hành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tới đây.

Thứ tư, Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, xây dựng và cập nhật những tình huống, tình hình liên quan đến thay đổi về phụ tải hoặc thay đổi về điều kiện thủy văn, thời tiết,… để chuẩn bị sẵn những kịch bản điều hành và huy động hợp lý những nguồn điện khác nhau đáp ứng nhu cầu điện trong những thời điểm từ cao điểm đến thấp điểm.

Thứ năm, tăng cường tiết kiệm điện. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, và để thực hiện giải pháp này đã có một loạt quy định, chế tài, yêu cầu đối với việc tăng cường tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh, trong tiêu dùng và đặc biệt là những thời gian cao điểm.

Thứ sáu, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trong các khâu từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối phải sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với những giải pháp và đến thời điểm hiện nay, việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được đảm bảo với các điều kiện, kịch bản sẽ diễn ra như đã dự báo cho đến thời điểm này.

An Mai (t/h)

Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphapluat.vn/6-nhom-giai-phap-bao-dam-viec-cung-ung-dien-trong-nam-2025-a15470.html