Thị trường xe công nghệ đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi rõ rệt trong thói quen của người dùng.
Một khảo sát mới công bố của Rakuten Insight (Nhật Bản) cho thấy thị trường gọi xe tại Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ taxi truyền thống sang các nền tảng công nghệ như Grab, Xanh SM và Be.
Theo kết quả khảo sát, có tới 66% người tham gia cho biết thường xuyên đặt ô tô và 67% đặt xe máy thông qua ứng dụng gọi xe. Đáng chú ý, 77% sử dụng dịch vụ này ít nhất 3 lần mỗi tháng, cho thấy sự gắn bó ngày càng lớn của người tiêu dùng với các nền tảng công nghệ trong nhu cầu đi lại hàng ngày.
Về thị phần, Grab đang giữ vị trí dẫn đầu với tỷ lệ người dùng lên tới 55% tại các thành phố lớn và 54% ở khu vực khác. Xanh SM - nền tảng gọi xe thuần điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp thứ hai với 32% người dùng, cao hơn một chút tại các thành phố lớn.
Điều này đồng nghĩa, chỉ riêng Grab và Xanh SM đã chiếm tới 87% thị phần dịch vụ gọi xe tại Việt Nam.
Be chiếm 9% thị phần, trong khi các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun cộng lại chỉ đạt 3%, còn 1% thuộc về Maxim.
Rakuten đánh giá bộ 3 dẫn đầu có thế mạnh riêng. Grab được đánh giá cao nhờ độ tin cậy, mạng lưới tài xế rộng và ứng dụng dễ sử dụng, giúp đặt xe nhanh chóng trong giờ cao điểm, trời mưa hay thời gian bất thường. Cụ thể, 26% người được hỏi chọn vì luôn có xe, 17% vì dễ dùng.
Xanh SM nổi bật với chất lượng phục vụ và vệ sinh, cung cấp xe mới, sạch, trở thành lựa chọn hàng đầu cho những ai coi trọng sự thoải mái và sạch sẽ (16%). Trong khi, Be định vị trong phân khúc người tiêu dùng nhạy cảm với giá khi 24% người dùng cho biết chọn Be vì giá cạnh tranh, và 23% bị thu hút bởi các chương trình khuyến mãi sâu. Điều này cho thấy trong khi Grab và Xanh SM cạnh tranh về chất lượng và khả năng cung ứng, thì Be lại duy trì sức cạnh tranh bằng chiến lược định giá linh hoạt.
Dữ liệu khảo sát cũng làm rõ sự khác biệt đáng kể trong mức chi tiêu giữa người dùng tại các thành phố lớn và các đô thị khác.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, người dùng chi trung bình hàng tháng là 252.101 VND cho việc đi ô tô và 104.907 VND cho việc đi xe máy, so với 219.518 VND và 94.880 VND tại các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Khách hàng gọi xe chủ yếu để họp mặt bạn bè (42%), đi ăn uống (37%), mua sắm (36%), tiệc tùng (33%) và đi làm (32%).
Sự chênh lệch 14,8% trong chi tiêu cho ô tô này làm nổi bật sự ưu tiên của người tiêu dùng thành thị đối với sự tiện lợi bất chấp những thách thức về giao thông và bãi đậu xe, trong khi các thành phố khác nhấn mạnh vào khả năng chi trả.
Grab và Xanh SM thống trị thị trường nhưng vẫn phải cạnh tranh để duy trì sự trung thành của khách hàng, đặc biệt khi các yếu tố như giá nhiên liệu, chính sách tài xế và xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng đóng vai trò lớn hơn.
Về triển vọng năm 2025, theo Mordor Intelligence, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam ước đạt khoảng 1 tỷ USD năm nay và có thể mở rộng lên 2,5 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19,5% trong giai đoạn 2025-2030. Trong khi đó, Statista đưa ra dự báo lạc quan hơn, với quy mô thị trường năm 2025 có thể đạt tới 1,88 tỷ USD.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://www.doanhnghiepvaphapluat.vn/87-nguoi-dung-lua-chon-grab-va-xanh-sm-cho-dich-vu-goi-xe-a15523.html