4 hình thức thương mại điện tử được nhiều doanh nghiệp áp dụng

02/05/2025 10:02

Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang triển khai 4 hình thức thương mại điện tử với mức độ hiệu quả khác nhau.

Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2025) đã chỉ ra quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2025 lên tới 25 - 32 tỷ USD với mức tăng trưởng từ 18% - 20%. Đồng thời, quy mô TMĐT chiếm tới 2/3 giá trị kinh tế số, khi Việt Nam có tỷ lệ thâm nhập Internet lên tới trên 70% mật độ dân số trẻ am hiểu công nghệ. 

4 hình thức thương mại điện tử được nhiều doanh nghiệp áp dụng- Ảnh 1.

 

Còn theo Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), năm 2025, tốc độ tăng trưởng TMĐT qua các sàn dự báo chỉ đạt 21,6% và năm 2026 có thể thấp hơn nữa, khi chính sách thu thuế TMĐT đã có hiệu lực vào tháng 4/2025, buộc các sàn TMĐT cũng như các nhà bán lẻ phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. Điều này có ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển TMĐT ở Việt Nam.

TMĐT không còn là cuộc chơi cho những nhà bán hàng nếu không thay đổi quy mô, chỉ tập trung cạnh tranh về giá. Từ ngày 1/4, các sàn TMĐT phải nộp thuế thay cho người bán hàng, dự kiến 30.000 người bán hàng online bị truy thu thuế và dự báo có tới 38.000 người bán hàng phải rời sàn. Nhưng lại có đến 95% nhà bán hàng lớn với quy mô doanh số từ 50 tỷ đồng trở lên vẫn có khả năng tăng doanh số gần gấp đôi.

Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho biết, nhiều doanh nghiệp đang triển khai nhiều hình thức thương mại điện tử với mức độ hiệu quả khác nhau.

Thứ nhất, website doanh nghiệp với 46% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có xây dựng website riêng để phục vụ hoạt động quảng bá và kinh doanh.

Trong vòng hai năm trở lại đây, một xu hướng rõ rệt đang định hình lại cách các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử: sự ưu tiên tích hợp tính năng đặt hàng trực tuyến trực tiếp vào website chính thức của mình. Thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử trung gian hay mạng xã hội, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị của việc sở hữu một "cửa hàng trực tuyến" độc lập, nơi họ có toàn quyền kiểm soát trải nghiệm khách hàng và dữ liệu.

Trong số các doanh nghiệp có website thì 75% doanh nghiệp cho biết hiện nay đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook...) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó. Việc tích hợp liền mạch quy trình mua sắm vào website tạo ra một hành trình khách hàng liền mạch, từ khám phá sản phẩm đến hoàn tất giao dịch, góp phần nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh trực tuyến.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, 52% doanh nghiệp cho biết có kinh doanh qua các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) trong năm 2024. Đáng chú ý, tỷ lệ này cũng có giảm đi so với các năm trước đó. Cụ thể năm 2022, 65% doanh nghiệp vẫn tiến hành kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, năm 2023 giảm xuống còn 58% trên tổng số doanh nghiệp.

Nguyên nhân của sự thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm sự cạnh tranh ngày càng gay gắt để thu hút sự chú ý của người dùng, những thay đổi liên tục trong thuật toán khiến việc tiếp cận khách hàng tự nhiên trở nên khó khăn hơn, và cả những lo ngại về hiệu quả thực tế so với chi phí đầu tư.

Thứ ba, việc tham gia các sàn thương mại điện tử đang trở thành xu hướng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. 26% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, hoạt động của các nền tảng này cũng dần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn cả về khía cạnh chính sách thực thi và hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt trong nửa cuối năm 2024 xu hướng kinh doanh qua sàn thương mại điện tử được đông đảo doanh nghiệp ưu tiên.

Thực tế cho thấy rõ một sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức bán hàng của doanh nghiệp, với các phiên live trên các sàn thương mại điện tử như Shopee và TikTok Shop đang trở thành lựa chọn ưu tiên hơn so với các kênh bán hàng truyền thống.

Cuối cùng là kinh doanh trên nền tảng di động. 15% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng các ứng dụng thương mại điện tử (app) trên thiết bị di động, giảm nhiều so với tỷ lệ này của các năm trước đó. Trong đó 46% cho biết Doanh nghiệp có cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên ứng dụng di động.

Minh An (t/h)