4 nội dung được Chính phủ cam kết để đưa đất nước đi lên

13/11/2020 16:45

Chính phủ hành động quyết liệt, luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút luồng vốn FDI từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu.

Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 (Vietnam Business Summit - VBS 2020), với chủ đề “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/11, tại Hà Nội.

Tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu. Đại dịch khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, giao thương đầu tư gián đoạn, hàng triệu lao động mất việc làm, hoạt động xã hội đều bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới đang rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ đại khủng hoảng năm 1929 - 1933.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu khai mạc hội nghị
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu khai mạc hội nghị

 

Trước những thách thức trên, Chính phủ hành động quyết liệt, luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút luồng vốn FDI từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất trên toàn cầu, thúc đẩy thương mại, chuyển đổi số, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới, phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp mới...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, để đưa đất nước vươn lên phát triển bao trùm và bền vững, thực hiện khát vọng phồn vinh và hạnh phúc, Chính phủ Việt Nam cam kết 4 nội dung sau:

Thứ nhất, nỗ lực xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ DN và người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh DN, nhất là DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, giúp DN Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế.

Thứ hai, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược, hạ tầng xương sống số về cả ba phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ; chú trọng đầu tư bảo đảm hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn miền núi hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế xanh và bền vững.

Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo lao động giàu kỹ năng phục vụ sự phát triển của nền kinh tế hiện đại.

Kinh tế số giúp doanh nghiệp phát triển cả trong đại dịch Covid-19

Tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, nhiệm kỳ qua, số lượng DN tăng 1,5 lần, có 3 đợt sóng cải cách, chúng ta đã xóa hàng nghìn giấy phép con, cắt giảm 50 - 60% quy định hành chính liên quan đến hoạt động của DN, thành lập tổ công tác đặc biệt về rà soát, bất cập, chồng chéo về kinh doanh và tổ công tác thu hút đầu tư.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

 

Thời gian tới, Chính phủ đã kiên định mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh mới. Theo đó, kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế phát triển bền vững, bao trùm. Kinh tế số sẽ giúp các DN Việt Nam nhất là DN nhỏ và vừa tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phát triển cả trong thời đại dịch Covid-19 và sau đại dịch.

“Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà lại vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế quốc gia. Do đó, cần tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế hiện đại với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số" - ông Lộc nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận "Việt Nam: Cơ hội và tiềm năng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu", theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc PwC Việt Nam, Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội trên toàn cầu. May mắn, Việt Nam là một số quốc gia hiếm hoi có được tăng trưởng GDP dương trong năm 2020. Để có thể thích ứng với “bình thường mới”, DN Việt Nam cần hoạt động một cách bền vững hơn để tái tạo tương lai…

Còn theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lý do giúp cho Việt Nam tăng trưởng cao so với các nước là bởi Việt Nam vốn có những ưu thế nhất định và có những chính sách phù hợp trong giai đoạn vừa qua, như có sự ổn định chính trị; tăng trưởng nhanh và bền vững; chi phí và ưu đãi cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào.

“Việt Nam là một trong những thị trường được các nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy, để đón dòng vốn này, phải có đất khu công nghiệp vì dòng vốn đầu tư chủ yếu đến là các khu công nghiệp; tiếp đến là đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh đào tạo nhanh theo đơn đặt hàng nhanh của các DN; liên quan tới vấn đề năng lượng thì Bộ Công thương đang rà soát lại tổng sơ đồ điện VIII; đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ; đồng thời, Việt Nam trong thời gian qua không ngừng sửa đổi các chính sách” - ông Hoàng cho biết.

Theo Minh Khôi

"https://thuonghieucongluan.com.vn/4-noi-dung-duoc-chinh-phu-cam-ket-de-dua-dat-nuoc-di-len-a119013.html"