Bộ GTVT quyết định mạnh tay với chủ đầu tư ‘chây ì’ thu phí tự động

07/04/2020 17:01

Việc thu phí tự động không dừng giúp tài xế giảm được thời gian lưu thông qua trạm đồng thời tránh những vụ việc thất thoát như một số nơi từng xảy ra. Thế nhưng vì một lẽ gì đó mặc dù được triển khai rất lâu song đến nay vẫn xảy ra hiện tượng nơi có, nơi không.

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1

 

Tại phiên chất vấn ngày 5/6/2019, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đặt câu hỏi: “Việc triển khai thu phí tự động không dừng đến nay vẫn còn ở mức khiêm tốn, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chủ trương của Chính phủ, vậy Bộ GTVT có giải pháp gì để khắc phục?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12/2019 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ GTVT chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai. Giai đoạn 2, Bộ GTVT đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019.

Nêu khó khăn trong việc triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Thể cho rằng: “Nguyên nhân là do hiện nay chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thu phí tự động nên các trạm thu phí vẫn chưa đồng bộ. Mặc dù, có làn thu phí không dừng nhưng vẫn thu phí thủ công”.

Trước tình trạng này, Bộ GTVT vừa quyết định thành lập tổ công tác thực hiện dự án thu phí tự động không dừng. Tổ này do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm tổ trưởng, có nhiệm vụ giúp việc cho Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc...

Nhiệm vụ các thành viên do tổ trưởng tổ công tác phân công. Hoạt động của tổ công tác không thay thế chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia các dự án thu phí tự động không dừng.

Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 áp dụng đối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Giai đoạn 2 áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.

Đến nay, giai đoạn 1 đã lắp đặt, vận hành từ 2/4 làn ETC tại 40 trạm. Tuy nhiên, 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị, 4 tuyến còn lại chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn.

Đối với dự án giai đoạn 2, hiện đã lựa chọn được nhà đầu tư là liên danh Tập đoàn Công nghệ - Viễn thông Quân đội, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2019 đến nay, liên danh này do nhiều vướng mắc nên chưa thành lập được doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo.

Theo PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-gtvt-quyet-dinh-manh-tay-voi-chu-dau-tu-chay-i-thu-phi-tu-dong-a93211.html"