Chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ, bảo vệ sản xuất trong nước

13/04/2020 23:01

Dịch bệnh đang khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm, tồn kho tăng. Do đó, cần chủ động dự báo khả năng hàng tồn kho do dịch bệnh của các quốc gia có thể tràn vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh, để chuẩn bị các phương án, biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương đang áp thuế chống bán phá giá một số mặt hàng thép nhập khẩu 
để bảo vệ sản xuất nội đị

 

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương nhận định với thị trường nhỏ như Việt Nam, chỉ cần lượng hàng nhập khẩu giá rẻ tăng vài phần trăm là sức ép lên sản xuất trong nước sẽ tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, vài năm trở lại đây, các quốc gia trên thế giới đều gia tăng mạnh mẽ hàng rào bảo hộ với hàng hóa nhập khẩu, khiến cơ hội của hàng Việt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay sẽ "khó càng thêm khó".

Thực tế, cách đây ít ngày, Bộ Thương mại Mỹ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đệm mút xuất xứ từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Phía nguyên đơn cáo buộc hành vi bán phá giá của Việt Nam với biên độ là hơn 1.000%.

Bộ Công Thương xác định để bảo đảm công bằng và bảo vệ sản xuất trong nước, áp dụng các biện pháp phòng vệ là giải pháp cần thiết, kể cả khi không phải đối mặt với áp lực từ dịch bệnh như hiện nay.

Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương nhấn mạnh nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, nhanh chóng xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" cùng kế hoạch hành động phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp được coi là giải pháp nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại...

Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, cần cấp bách đưa ra giải pháp kích thích phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao trong nước. Bởi lẽ, dù chặn hàng ngoại giá rẻ tràn vào thị trường nội địa nhưng trong nước không sản xuất được sản phẩm có chất lượng cao và giá cả phù hợp thì người tiêu dùng vẫn ủng hộ hàng nhập.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường nội địa không phải biện pháp ưu tiên số 1, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương. Do vậy, bên cạnh giám sát việc thực thi các FTA để tránh gian lận thì quan trọng hơn là tự nâng cao sức cạnh tranh thông qua tái cơ cấu các ngành sản xuất, bảo đảm tiêu chí chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo PV

"https://thuonghieucongluan.com.vn/chan-lan-song-hang-nhap-khau-gia-re-bao-ve-san-xuat-trong-nuoc-a94334.html"