"Covid-19 là lúc các doanh nghiệp có thể trầm tĩnh lại, suy nghĩ về chiến lược dài hơi"

27/03/2020 21:28

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ đã phát biểu như vậy tại cuộc họp chiều 26/3 của Tổ với các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp nhằm nắm bắt khó khăn của DN trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo thông tin đăng tải trên Báo Chính phủ, phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, cả nước đã nỗ lực, cố gắng, đoàn kết và quyết tâm cao thực hiện công tác phòng, chống dịch, đạt kết quả bước đầu.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động toàn diện tới các mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, giữ tốc độ tăng trưởng.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp, chiều 26/3 (Ảnh: VGP)

Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ cho biết: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã thiệt hại nặng nề do tác động của dịch bệnh, nhất là khối doanh nghiệp vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, logistics… Buổi làm việc với các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải để có cơ sở tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp, chỉ đạo kịp thời.

Theo đó, Tổ công tác sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất các giải pháp hết sức cụ thể, không chung chung, đồng thời phải hết sức khẩn trương; các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội cũng phải kịp thời trình Quốc hội.

Theo dự kiến, cuối tháng 3 này, Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về bốn nội dung trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc, dừng sản xuất do dịch bệnh và bảo đảm an ninh trật tự.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho rằng, trong thách thức có cơ hội, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp có thể “trầm tĩnh lại” và tiến hành các giải pháp tái cơ cấu trong hoạt động, suy nghĩ thêm về các chiến lược dài hơi.

“Ví dụ, các nước đang có nhu cầu rất lớn về khẩu trang, đây là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam khi năng lực sản xuất lên tới 100 triệu chiếc mỗi ngày như phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết.

Liên quan tới vấn đề xuất khẩu khẩu trang, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ với báo chí rằng, thông qua nắm bắt thị trường cũng như yêu cầu cụ thể từ phía doanh nghiệp (DN), Bộ Công Thương đã đề xuất và báo cáo Chính phủ cho phép 1 số giải pháp phát triển ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để tiếp cận với thị trường quốc tế ở quy mô rất lớn.

Theo PV

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/-covid-19-la-luc-cac-doanh-nghiep-co-the-tram-tinh-lai-suy-nghi-ve-chien-luoc-dai-hoi/20200327104614240"