Định hướng phát triển của Hà Nội, TP. HCM là gì trong giai đoạn tới?

28/01/2021 16:05

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD, còn TP. HCM đề xuất các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức nhằm góp phần nâng cao tiềm lực đất nước.

Định hướng phát triển của Hà Nội, TP. HCM là gì trong giai đoạn tới?

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sáng 27/1, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định, kinh tế thủ đô tuy đã có sự tăng trưởng khá về quy mô và tốc độ, nhưng chất lượng và tính bền vững chưa cao. Thành phố chưa khai thác, phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng và lợi thế trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Phong phát biểu: "Thuận lợi và thách thức đan xen lẫn nhau, nhưng thuận lợi và cơ hội cho đất nước, cho Hà Nội vẫn là chủ đạo để phát triển. Với vị thế, yêu cầu phát triển ngày càng cao của thủ đô, Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu về tất cả phương diện".

Theo đó, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD .

Để thực hiện thành công những mục tiêu, chỉ tiêu khẳng định vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội đã đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.

Định hướng phát triển của Hà Nội, TP. HCM là gì trong giai đoạn tới? - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tham luận tại Đại hội XIII. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

 

Cũng tại Đại hội Đảng XIII, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong trình bày tham luận về "phát triển kinh tế tri thức".

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP. HCM khai thác có hiệu quả lợi thế của một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế tri thức, hình thành những nền tảng của kinh tế tri thức; bao gồm đội ngũ trí thức đông đảo, đô thị thông minh, khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các tập đoàn lớn về công nghệ, các trung tâm nghiên cứu phát triển, hạ tầng công nghệ thông tin trên nền tảng mạng 5G.

Đáng chú ý, thành phố đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30-35% GRDP của TP. HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước".

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đưa nội dung đào tạo công nghệ thông tin, kỹ năng số vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng nguồn nhân lực số, hình thành đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên đủ chuẩn quốc tế.

Ông Phong cho biết thực tiễn cho thấy việc tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa then chốt trong phát triển kinh tế tri thức. Những ứng dụng của công nghệ thông tin vào dịch vụ hành chính công, chính quyền điện tử, phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, khởi nghiệp sáng tạo,… luôn được người dân và doanh nghiệp đồng tình và tích cực hưởng ứng.

Thời gian vừa qua, kinh tế của TP. HCM đạt mức tăng trưởng khá cao. Không tính năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2016-2019, GRDP của TP. HCM tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP quốc gia, hơn 26% thu ngân sách cả nước.

TP. HCM đề xuất 7 giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế tri thức trong thời gian tới, trong đó cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Ông Phong cho hay, cần đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, vừa là cơ hội, vừa là áp lực để Việt Nam phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới.

Lãnh đạo TP. HCM đề xuất Chính phủ lựa chọn, đưa ra chính sách đặc thù đối với một số doanh nghiệp có khát vọng và bản lĩnh, có đủ năng lực và quy mô cho đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, tiên phong vươn tầm thế giới. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị khu vực, chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước làm chủ công nghệ, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và hấp dẫn trong "sân chơi" toàn cầu.

Theo Hà Trần

"https://doanhnghieptiepthi.vn/dinh-huong-phat-trien-cua-ha-noi-tp-hcm-la-gi-trong-giai-doan-toi-161212701182420700.htm"