Doanh nghiệp F&B vận dụng sách lược phù hợp để đứng vững trên thị trường

26/03/2024 09:30

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, mức độ đào thải nhanh, các doanh nghiệp nội địa trong ngành hàng F&B cần đưa ra các sách lược phù hợp nhằm thoát khỏi nguy cơ bị đào thải và đứng vững trên chặng đường dài.

Thị trường dịch vụ ăn uống (F&B) ở Việt Nam được ví như “mỏ vàng” của các doanh nghiệp (DN). Theo ước tính của Mordor Intelligence, thị trường F&B Việt Nam dự kiến đạt 22,72 tỷ USD vào năm 2024 và chạm mức 36,29 tỷ USD vào 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 9,82% trong giai đoạn 2024 -2029.

Doanh nghiệp F&B vận dụng sách lược phù hợp để đứng vững trên thị trường- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: VnBusiness

Mặc dù ngành F&B đã vượt qua đáy, nhưng các tín hiệu khởi sắc chưa thực sự rõ ràng. Các chuyên gia cho biết, thị trường này nghe qua thì dễ phát triển nhưng thời gian qua đã chứng kiến những đợt “thanh lọc” mạnh mẽ, với hàng loạt thương hiệu rời đi (ngay cả các DN lớn đến những chuỗi F&B lâu đời), rồi lại có những thương hiệu mới xuất hiện.

Trong thời điểm này, các DN F&B tiếp tục phải tối ưu thêm vận hành và cải thiện dịch vụ để tăng trải nghiệm thực cho khách hàng. Bên cạnh việc cần làm như cải tiến sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, điều mà các DN nội địa trong ngành hàng F&B cần là tìm kiếm thêm các kênh bán hàng, kênh marketing mới để tìm kiếm các đối tác quốc tế. Không chỉ vậy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là điều mà các DN F&B nên hướng tới khi sức chi tiêu, mua sắm của người tiêu dùng trong nước sụt giảm.

Giới chuyên gia cho rằng các DN nội địa trong ngành hàng F&B không những phải thích ứng linh hoạt với xu hướng mới của thị trường mà còn cần tạo ra cơ hội mới và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình.

Điển hình là việc thích ứng với phát triển mạnh mẽ của Internet, ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến. Các dữ liệu cho thấy có khoảng 73,2% dân số Việt Nam đang sử dụng Internet, 53% trong số họ dùng các dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến như GrabFood và GoFood...

Do đó, mô hình bán lẻ F&B truyền thống phải dần được thay thế bởi mô hình bán hàng trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).

Điều này cho phép các DN tham gia vào thị trường F&B một cách linh hoạt mà không cần đối mặt với áp lực từ việc đầu tư vào cơ sở vật chất. 

Nói chung, trước mức độ cạnh tranh gay gắt như hiện tại vốn được ví như cuộc chiến “sống còn”, yêu cầu đặt ra cho các DN nội địa trong ngành hàng F&B là cần xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình trước các đối thủ ngoại, tìm hiểu kỹ nhu cầu, xu hướng của thị trường, để từ đó đưa ra các sách lược phù hợp nhằm thoát khỏi nguy cơ bị đào thải và đứng vững trên chặng đường dài.

Minh An (t/h)