Giá xuất khẩu cà phê quý I/2024 tăng 48%, cao nhất trong vòng 30 năm

18/04/2024 11:06

Quý I/2024, cà phê tiếp tục là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu nằm trong tốp đầu của ngành Nông nghiệp. Tính chung quý I/2024, giá xuất khẩu cà phê là 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam liên tục tăng cao. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. 

Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 515.164 tấn, đạt kim ngạch hơn 1,57 tỷ USD; tiếp đó là cà phê nhân Arabica xuất khẩu 16,474 tấn, đạt kim ngạch hơn 69,27 triệu USD. Đối với cà phê rang xay và hòa tan, xuất khẩu được khoảng 35.853 tấn, đạt kim ngạch hơn 246,41 triệu USD.

Giá xuất khẩu cà phê quý I/2024 tăng 48%, cao nhất trong vòng 30 năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết, điểm nổi bật nhất những tháng qua là giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Cụ thể, trong tháng 3/2024, bình quân giá cà phê xuất khẩu là 3.555 USD/tấn, tăng 8% so với tháng trước (tăng 55% so với tháng 3/2023). Tính chung quý I/2024, giá xuất khẩu cà phê là 3.289 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu cà phê thế giới. 

Trong 3 tháng đầu năm nay, châu Âu là thị trường nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam nhiều nhất với 278.718 tấn (chiếm 51,3%) và thị trường Đức dẫn đầu với khối lượng 69.924 tấn, Italy thứ 2 với 63.952 tấn, Tây Ban Nha thứ 3 với 43.287 tấn…

Giá cà phê được các chuyên gia trong ngành cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa để tăng vì những lo ngại về nguồn cung đang diễn ra. Các nguồn cung lớn, có tầm ảnh hưởng đến thị trường như Việt Nam và Indonesia đang trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Kết quả là, xuất khẩu của họ dự kiến sẽ giảm hơn 1/5 trong năm nay.

Điều kiện thời tiết ở Việt Nam hiện vẫn được cho là khô nóng, mặc dù đã có mưa ở một số nơi, nhưng một số vùng sản xuất chính chưa hề nhận được lượng mưa cần thiết trong tình hình sông hồ đều cạn nước. 

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, cà phê Robusta Việt Nam có vị trí tương đối vững chắc và không dễ thay thế trên thị trường thế giới. Dù nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao nhưng cà phê Việt vẫn được các nhà rang xay nước ngoài săn đón. Điều này tạo cơ sở và dư địa để giá cà phê xuất khẩu tiếp tục tăng.

Với tình hình giá thị trường như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững.

Về giải pháp lâu dài cho ngành hàng cà phê, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương rà soát vùng trồng phù hợp; đồng thời, giám sát các địa phương thực hiện “Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. 

“Ngành cà phê cần lựa chọn những mặt hàng cà phê có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, nhằm mở rộng xuất khẩu những mặt hàng này; đồng thời, phải nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường cà phê thế giới mới tạo sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Huyền My (t/h)