Hà Nội: Dự kiến hỗ trợ 3 triệu/cá nhân để chuyển đổi phương tiện giao thông xanh

17/07/2025 09:27

Người có xe máy xăng khi chuyển sang xe điện có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên sẽ được hỗ trợ tiền tối đa 3 triệu đồng/xe; đối với hộ cận nghèo là 4 triệu đồng/xe và hộ nghèo là 5 triệu đồng/xe.

Sở Xây dựng Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan góp ý cho dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hệ thống trạm sạc trên địa bàn.

Dự thảo đang được hoàn thiện để báo cáo UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 9.

Văn bản đưa ra một số chính sách về hỗ trợ tài chính và ưu đãi; biện pháp hạn chế và điều tiết phương tiện gây ô nhiễm; chính sách phát triển và hỗ trợ hạ tầng năng lượng sạch.

Cụ thể, người dân có xe máy chạy xăng hoặc diesel (đăng ký trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực) tại các vùng phát thải thấp, khi chuyển đổi sang phương tiện xanh có giá trị từ 15 triệu đồng trở lên có thể được hỗ trợ 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ 4 triệu đồng áp dụng với hộ cận nghèo; 5 triệu đồng với hộ nghèo. Mỗi cá nhân được hỗ trợ tối đa một xe đến hết năm 2030.

Hà Nội: Dự kiến hỗ trợ 3 triệu/cá nhân để chuyển đổi phương tiện giao thông xanh- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất từ 3-5%/năm, hạn mức 100% giá trị hợp đồng, thời gian vay tối đa 5 năm cho các đơn vị dịch vụ công ích; đơn vị vận tải hành khách (trừ xe buýt) và vận tải hàng hóa; doanh nghiệp đầu tư cơ sở thu hồi, tái chế xe cũ.

Miễn 100% lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển số đối với phương tiện giao thông xanh từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất biện pháp hạn chế và điều tiết phương tiện gây ô nhiễm, theo đó lộ trình hạn chế sử dụng xe cơ giới chỉ dùng xăng hoặc diezel: Căn cứ nội dung tại Chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 10/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến thí điểm hạn chế xe máy xăng từ 1/1/2026 đến 30/6/2026; sau đó áp dụng cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong vành đai 1 (từ 1/07/2026), vành đai 2 từ 1/1/2028; hạn chế xe ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong vành đai 2 từ 1/1/2028, mở rộng ra vành đai 3 từ 1/1/2030.

Theo Sở Xây dựng, việc hạn chế toàn bộ phương tiện cơ giới cá nhân trong vành đai 3 do UBND Thành phố quy định, tùy theo tình hình thực tiễn. Đối với xe cơ giới không phải phương tiện giao thông xanh (xe CNG, hybrid), lộ trình hạn chế là từ 2035 (vành đai 1), 2040 (vành đai 2), 2045 (vành đai 3), và từ năm 2050 sẽ hạn chế toàn bộ trên địa bàn Thành phố.

Sở Xây dựng cũng đề xuất thu phí lưu thông và tăng giá dịch vụ trông giữ đối với phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường theo lộ trình hạn chế.

Thành phố tổ chức giao thông, lắp đặt biển báo khu vực hạn chế, lắp đặt camera phạt nguội để giám sát và tăng cường tuần tra kiểm soát. Đối với các hành vi vi phạm quy định khí thải hoặc lưu thông vào khu vực cấm, sẽ áp dụng mức xử phạt hành chính cao hơn.

Dự thảo đang được hoàn thiện để báo cáo UBND thành phố trình HĐND xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 9/2025. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở Xây dựng sẽ tham mưu thành phố ban hành Kế hoạch chi tiết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan liên quan để triển khai các chính sách, bao gồm: Chính sách tài chính, phí - lệ phí; Quản lý và loại bỏ phương tiện cũ; Giám sát, xử lý vi phạm và chính sách hỗ trợ phát triển và khuyến khích đầu tư trạm sạc...

Theo chỉ thị 20 của Thủ tướng ban hành ngày 12/7, từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng trong vành đai 1. Đến năm 2028, phạm vi cấm mở rộng ra vành đai 2 và từ năm 2030 là vành đai 3, đồng thời hạn chế cả với ôtô chạy xăng dầu.

Hiện Hà Nội có khoảng 6,9 triệu xe máy, trong đó riêng vành đai 1 có khoảng 450.000. Phó Chủ tịch thành phố Dương Đức Tuấn dẫn các nghiên cứu cho thấy xe máy xăng dầu chiếm tới 60% nguồn gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, trong khi khoảng 70% phương tiện đang sử dụng là xe cũ, khó kiểm soát khí thải.

Thương Huyền