Hà Nội: Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại nhà xưởng, kho bãi

06/07/2020 20:56

Trên địa bàn thành phố, có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động, mọc trên các khu đất nông nghiệp hay nằm sâu trong các khu đấu giá, tái định cư... đe dọa mất an toàn phòng cháy chữa cháy.

Theo ghi nhận, tại một số quận huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội tập trung nhiều nhà xưởng, nhà kho như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên; huyện Hoài Đức, huyện Thanh Trì…, công tác phòng cháy chữa cháy cũng chưa đạt yêu cầu, mang tính hình thức, thậm chí là vô cùng sơ sài hoặc không đảm bảo.

Cần nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy tại nhà xưởng, kho bãi

 

Thành ủy Hà Nội vừa có Báo cáo số 692-BC/TU về “Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TƯ của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”.

Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các mặt công tác phòng cháy, chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...

Ngoài đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Thành ủy cũng đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm về nhiệm vụ này.

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần chỉ đạo quyết liệt hơn, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn trong tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC.

Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC đảm bảo sâu, rộng đến các cơ quan, đơn vị, người dân nhằm nâng cao ý thức tự giác thực hiện, coi việc PCCC là trách nhiệm, quyền lợi của mình. Chủ động thực hiện phương châm phòng cháy chữa cháy “4 tại chỗ”.

Thứ ba, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác PCCC theo quy định. Khi người đứng đầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC sẽ lan tỏa ý thức chấp hành của người lao động.

Thứ tư, thực hiện công tác PCCC lấy phòng ngừa là chính, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cơ sở để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ gây cháy, nổ.

Thứ năm, việc thực hiện công tác PCCC phải đảm bảo đồng bộ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị. Từ đó có đầu tư tương xứng cho công tác PCCC, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu phục vụ.

Thứ sáu, quan tâm xây dựng lực lượng, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng Cảnh sát PCCC. Tăng cường đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho lực lượng PCCC nói chung và đặc biệt là cho lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng đáp ứng với nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo Trúc Mai

"https://thuonghieucongluan.com.vn/can-nang-cao-y-thuc-phong-chay-chua-chay-tai-nha-xuong-kho-bai-a106256.html"