Hai bộ tranh cãi việc giảm phí trước bạ để 'cứu' thị trường ô tô

07/05/2020 23:21

Dù Bộ Tài chính phản đối đề xuất giảm 50% phí trước bạ do lo ngại vi phạm các cam kết quốc tế, nhưng Bộ Công Thương vẫn muốn giảm.

Xưởng sản xuất, lắp ráp thân vỏ của Nhà máy Ôtô Vinfast (Hải Phòng) (Ảnh: Cao Tuấn)

 

Nêu ý kiến mới đây, Bộ Tài chính phản đối việc giảm 50% lệ phí trước bạ, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 như đề xuất ban đầu của Bộ Công Thương. Lý do là, nếu thông qua đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với nhập khẩu.

Tuy nhiên, phản hồi sau đó, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm muốn giảm, giãn các loại phí, thuế này. Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian áp dụng chính sách này chỉ hết năm 2020 và trong bối cảnh đặc biệt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khả năng bị các quốc gia vi phạm cam kết là hầu như không có.

Đại diện Cục Công nghiệp cũng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn tại Việt Nam trong thời gian  qua phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp do các đại ký bán hàng tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo cách ly xã hội từ 1/4. “Do đó, việc giảm 50% phí trước bạ sẽ kích thích thị trường, giảm tồn kho cho các nhà sản xuất”, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.

Vẫn theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, một số thành viên WTO, ASEAN cũng có các biện pháp trợ cấp tương tự và vẫn được duy trì mà không gặp nhiều phản ứng từ các quốc gia khác. Philippines hiện áp dụng hình thức trợ cấp dựa trên năng lực sản xuất để khuyến khích thúc đẩy sản xuất trong nước. Myanmar cũng có chính sách tương tự. Năm 2018, Chính phủ nước này cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng và thúc đẩy sản xuất ôtô trong nước nhằm thu hút các hãng nước ngoài.

Ngoài ra, để khuyến khích xe lắp ráp, Chính phủ miễn thuế hàng hóa đặc biệt và lệ phí trước bạ, trong khi xe nhập vẫn bị áp những thuế, phí này.

Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước xuất phát từ nhu cầu sắm ôtô giảm liên tục từ đầu năm do Covid-19. Cụ thể, trong 4 tháng qua lượng tiêu thụ xe đã giảm 40% và sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước giảm gần 24% so với cùng kỳ 2019. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự báo tăng trưởng cả năm 2020 của ngành ôtô trong nước có thể giảm hơn 15% so với tính toán ban đầu. Giảm phí trước bạ không giúp giảm giá xe, nhưng sẽ giảm chi phí để xe lăn bánh, yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của người tiêu dùng.

Lệ phí trước bạ hiện dao động theo khung 10-15%, tùy địa phương. Chẳng hạn, tại Hà Nội, với mức lệ phí 12%, một chiếc xe con trị giá 1 tỷ đồng, người mua sẽ phải trả 120 triệu đồng cho khoản này, chưa gồm các loại phí khác như đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí ra biển số... Giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm 2020, tức người mua tiết kiệm được 60 triệu đồng khi mua xe 1 tỷ.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, để thị trường phục hồi như trước đại dịch sẽ mất rất nhiều thời gian nếu không có những chính sách kích cầu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết năm nay hay gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt trong 6 tháng sẽ giúp kích cầu.

Theo Linh Tuệ

"https://thuonghieucongluan.com.vn/hai-bo-tranh-cai-viec-giam-phi-truoc-ba-de-cuu-thi-truong-o-to-a97762.html"