Hải Dương: Tập trung phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát

24/06/2020 15:43

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn việc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tái phát, lây lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn cả nước bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra ở 19 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát từ cuối tháng 11 năm 2019 đến nay.

Tuy nhiên, đây là bệnh dịch truyền nhiễm chưa có vắc xin phòng bệnh nên nguy cơ dịch bệnh tái phát sinh, lây lan ra diện rộng là rất cao.

Ảnh minh họa

 

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan ra diện rộng, ngày 23/6, UBND tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 2188/UBND-VP về việc tập trung phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan diện rộng. Hướng dẫn người chăn nuôi lợn áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại; bổ sung chất dinh dưỡngđể nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; đẩy mạnh tái đàn và tăng đàn lợn tại những nơi đáp ứng đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh.Các địa phương thành lập các đoàn công tác kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến làm phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Tổ chức công tác khử trùng cho đàn lợn để phòng chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ, các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn thịt, lợn giống và việc bổ sung, tái đàn.

Bên cạn đó, định hướng chăn nuôi công nghiệp, tập trung và an toàn sinh dịch bệnh; liên kết với các cơ sở chăn nuôi cung cấp con giống, kỹ thuật, phòng bệnh, từ đó bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra cho người chăn nuôi.

Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch, khống chế ngăn chặn dịch tái phát theo quy định; phối hợp với Cục Thú y, chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh, cảnh báo để người chăn nuôi chủ động phòng chống; tham mưu để chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất khử trùng tiêu độc phục vụ công tác phòng, chống dịch, đặc biệt khi dịch bệnh có chiều hướng lây lan ra diện rộng.

Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ, không mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y.

Theo Bùi Tú

"https://thuonghieucongluan.com.vn/hai-duong-tap-trung-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-tai-phat-a104257.html"