Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

04/08/2023 14:20

Ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hầu hết ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và chuyên gia đồng tình, đánh giá cao khát vọng của Bình Định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế.

Trong 2 vùng kinh tế, phân vùng Bắc gồm: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão - được xác định phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái, sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ các dự án năng lượng tái tạo, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển chuyên dùng, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao. Phân vùng Nam gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh - là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải biển, đô thị thông minh.

Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bình Định tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 1.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Bình Định cân nhắc việc Phát triển đô thị Quy Nhơn thành tổ hợp đô thị trí tuệ nhân tạo - cảng biển - du lịch quốc tế. Ảnh: MPI

Trong 3 cực phát triển, TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận được xác định là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Nam; Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc đồng thời là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Bắc; Tây Sơn đảm nhận hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây.

Trong 3 hành lang kinh tế, hành lang kinh tế Bắc Nam phát triển dọc theo QL 1, kết nối các đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Bình Định với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dọc duyên hải miền Trung, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam. Hành lang kinh tế biển dọc tuyến ven biển kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Hành lang kinh tế Đông Tây phát triển dọc các tuyến giao thông Đông Tây của QL 19, thúc đẩy giao thương kinh tế với vùng Tây Nguyên và các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Các thành viên Hội đồng và chuyên gia bổ sung nhiều ý kiến quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn cho Bình Định, nhất là sớm nâng cấp Cảng Hàng không Phù Cát thành Cảng Hàng không quốc tế để phát triển du lịch và thu hút đầu tư…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tiếp thu toàn bộ ý kiến của Hội đồng thẩm định, cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tỉnh khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn, cơ quan liên quan hoàn thiện quy hoạch tỉnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung của Bình Định trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời lưu ý cơ quan lập quy hoạch cần làm rõ thêm vai trò, vị thế, sứ mệnh của Bình Định trong thời kỳ mới, gắn với kinh tế vùng và cả nước, đặc biệt phát huy lợi thế QL 19 gắn với Tây Nguyên.

Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bình Định cân nhắc một số đột phá như: Phát triển đô thị Quy Nhơn thành tổ hợp đô thị trí tuệ nhân tạo - cảng biển - du lịch quốc tế; tổ hợp công nghiệp - đô thị Becamex VSIP - Vân Canh; tổ hợp công nghiệp - cảng biển; trung tâm chuỗi sản phẩm tôm quốc tế… Từ nay đến năm 2030, tỉnh cần lựa chọn một số nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển; trong đó khai thác tối đa các lợi thế hiện có như lợi thế về biển, sân bay, hệ thống giao thông đang tạo ra không gian phát triển mới cho tỉnh…

Nguyễn Tuấn