Khôi phục vị thế "nữ hoàng" của ngành hàng thanh long

11/04/2024 09:08

Thanh long từng đạt đỉnh cao với kim ngạch xuất khẩu gần 1,3 tỷ USD vào năm 2018. Nhưng 3 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu thanh long liên tiếp giảm.

Thanh long là một trong 14 loại trái cây chủ lực của Việt Nam trong “Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030”, được mệnh danh là "nữ hoàng" của của các loại trái cây.

Khôi phục vị thế "nữ hoàng" của ngành hàng thanh long- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong thời kỳ hoàng kim, thanh long đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu "đỉnh cao" vào năm 2018 gần 1,3 tỷ USD. Nhưng xuất khẩu thanh long lại suy giảm liên tiếp trong 3 năm trở lại đây, chỉ còn trên 600 triệu USD.

Đến đầu năm nay, sự lạc quan tăng trở lại khi xuất khẩu thanh long đã tăng trưởng trở lại. Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, thanh long xuất khẩu đạt gần 64 triệu USD, tăng gần 73% so với tháng 12/2023 và tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Nước ta có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất thanh long hàng hóa; có lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn nên thanh long cho thu hoạch quanh năm. Hơn nữa, sản xuất thanh long đã hình thành được các vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp tăng khả năng cạnh tranh cho mặt hàng này khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Đó là yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt.

Theo nhiều chuyên gia, để duy trì lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thanh long đòi hỏi phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường.

Mặt khác cần lấy thị trường làm trọng tâm để điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu. Sản xuất thanh long bền vững cần sử dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải các bon.

Muốn thanh long phát triển bền vững, phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải, song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm; tổ chức lại sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết bởi nếu có giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì hiệu quả chưa cao, giá trị gia tăng thấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương không gia tăng diện tích trồng thanh long và tập trung sản xuất tại các vùng sinh thái lợi thế như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.

Diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận hiện đạt khoảng 25.000 ha. Ngành nông nghiệp tỉnh này chủ trương không tăng diện tích mà chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ - chế biến để nâng giá trị cho trái thanh long. Đây chính là hướng đi bền vững cho nhà nông Bình Thuận.

Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, chế biến sâu được coi là giải pháp quan trọng, vừa giúp giảm được áp lực mùa vụ, vừa giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Những trái thanh long tươi sau khi thu hoạch từ vườn về sẽ được phân loại. Những quả không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ được các cơ sở dùng để chế biến.

Ngoài ra, việc tận dụng triệt để các bộ phận từ quả thanh long cũng đã tối ưu hóa giá trị cho nông sản của nhà nông. 

Thực tế trong thời gian vừa qua, khi tình hình xuất khẩu thanh long đang gặp nhiều thử thách, người dân Việt Nam đã nảy ra ý tưởng như chế biến sợi mì từ trái thanh long, hay làm bánh mì thanh long được người tiêu dùng trong nước ủng hộ. Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo để tăng giá trị cho trái thanh long, làm phong phú nền ẩm thực nước nhà.

Về giải pháp căn cơ hơn, trong giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương cần ổn định diện tích thanh long trong khoảng 60.000 đến 65.000 ha, duy trì sản lượng từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Minh An (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Khôi phục vị thế "nữ hoàng" của ngành hàng thanh long" tại chuyên mục KINH TẾ.