Lật tẩy nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm buôn lậu ma tuý vào Việt Nam

03/12/2021 08:21

Lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan, lập các công ty “bình phong” hay dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy... Đây đều là những thủ đoạn rất tinh vi của các đối tượng buôn bán ma tuý nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Cục Hải quan Nghệ An phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An phá thành công chuyên án mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia

Cục Hải quan Nghệ An phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An phá thành công chuyên án mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của các đối tượng trong địa bàn kiểm soát của Hải quan vẫn diễn biến hết sức tinh vi, khó lường.

Đại diện Phòng Kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết: Hiện nay, các đối tượng người nước ngoài sang Việt Nam mở các công ty “bình phong” xuất khẩu, nhập khẩu, thuê các kho hàng và chỉ đạo người Lào, Thái Lan, Việt Nam ở vùng biên giới vận chuyển ma túy tổng hợp, heroin từ vùng “Tam giác vàng” đi vào Việt Nam qua đường mòn tiểu ngạch biên giới, bí mật tập kết về kho hàng của các công ty bình phong tại Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh.

Sau đó, tội phạm cất giấu ma túy vào container sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, lốc máy ô tô cũ, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép, vật liệu xây dựng… vận chuyển trên các tuyến: Việt Nam-Philippines, Việt Nam-Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam-Australia.

Ngoài ra, tội phạm lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container theo tuyến đường biển để vận chuyển ma túy. Đối tượng là chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà lựa chọn các các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan làm hợp đồng ủy thác xuất, nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau. Thậm chí, tội phạm sử dụng công ty “ma” để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam. Vì vậy, số lượng ma túy vận chuyển ở mỗi đường dây lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn kg.

Một thủ đoạn khác là tội phạm lợi dung việc nhập khẩu máy móc về Việt Nam rồi chúng gia cố, thiết kế lại các bộ phận, tạo các ngăn giả bên trong máy để giấu ma túy nhằm đối phó với sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hoặc cố tình vận chuyển hàng đến cửa khẩu để xuất đi nước ngoài sát giờ tàu chạy nhằm tạo áp lực cho hải quan, nếu kiểm tra sẽ bị trễ chuyến, bồi thường.

Đối với loại hình này, các đối tượng thường lợi dụng chính sách quản lý hải quan đối với hàng quá cảnh (chỉ giám sát hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, không kiểm tra hải quan) để cất giấu ma túy trong hàng hóa do các phương tiện quá cảnh chuyên chở, nhất là các phương tiện container, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Với hàng hóa gửi theo đường bưu điện, chuyển phát nhanh, các tổ chức tội phạm ma túy lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn phổ biến như: Khai tên, địa chỉ người gửi, người nhận không rõ ràng; khai báo sai tên hàng; ngụy trang ma túy vào hàng hóa như pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê; sử dụng các loại vỏ bao bì đựng thuốc tân dược, thực phẩm chức năng.

Đáng lưu ý, gần đây, tội phạm sử dụng “bài” gửi cần sa qua đường chuyển phát nhanh với thủ đoạn chia nhỏ thành nhiều gói với trọng lượng dưới 1 kg và ghi tên người nhận khác nhau nhằm mục đích không bị xử lý hình sự nếu bị phát hiện.

Ngày 31/3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã phát hiện và bắt giữ 4 kg Ketamin (ma túy tổng hợp) được cất giấu trong lô hàng chờ xuất khẩu đi Đài Loan

Ngày 31/3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã phát hiện và bắt giữ 4 kg Ketamin (ma túy tổng hợp) được cất giấu trong lô hàng chờ xuất khẩu đi Đài Loan.

Liên quan đến tuyến đường bộ, tội phạm ma túy thường trực tiếp thực hiện và thuê cư dân biên giới, các đối tượng lao động tự do thường xuyên qua lại hai bên biên giới, thăm thân, du lịch để vận chuyển. Ở loại hình này, ma túy được tội phạm cất giấu tinh vi bên trong các vali, túi xách...

Bên cạnh đó, còn xuất hiện thủ đoạn rất tinh vi khác đó là dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.

Để giải quyết thực trạng trên, lực lượng Hải quan luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán, vận chuyển ma tuý qua biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với việc tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại xuất khẩu, nhập khẩu.

Theo đó, trong thời gian qua, cơ quan Hải quan đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp từ cấp Tổng cục đến cấp Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã giao Cục Điều tra chống buôn lậu xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn (như: Cục Hóa chất, Bộ Công Thương; Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an) tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cơ bản về công tác đấu tranh phòng, chống ma túy nhằm nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ, công chức hải quan đang làm nhiệm vụ tại các khâu nghiệp vụ hải quan và đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm soát ma túy cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.

Cùng với các giải pháp được triển khai, các đơn vị Hải quan chuyên trách kiểm soát, phòng, chống ma túy trong toàn ngành còn thường xuyên chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương triển khai các kế hoạch, chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về pháp luật, tác hại của ma túy và tệ nạn ma túy, vai trò, yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy dành cho cán bộ, công chức hải quan, quần chúng nhân dân đặc biệt là cư dân sinh sống trong địa bàn cửa khẩu, biên giới “nóng” về tội phạm ma túy.

Hải Minh