Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành pin lithium của Việt Nam

18/07/2025 09:28

Khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch, công tác logistics cho pin lithium đang trở thành yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng. Với cơ sở hạ tầng, chính sách và đối tác phù hợp, Việt Nam sẵn sàng dẫn đầu chuỗi giá trị pin trong khu vực.

Theo Báo cáo “Global Material Handling Equipment Market Report 2024” của Allied Market Research, thị phần xe nâng điện toàn cầu đã vượt mốc 70% vào cuối năm 2024, trong đó xe sử dụng pin lithium chiếm đến 55%, tăng gấp đôi so với năm 2020.

Nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành pin lithium của Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Việt Nam, ước tính từ các nhà cung cấp thiết bị và khảo sát thực tế tại một số khu công nghiệp lớn phía Nam cho thấy: tỷ lệ xe nâng điện trong tổng số xe nâng mới mua vào năm 2024 đã vượt mốc 40%, trong đó đa số sử dụng công nghệ pin lithium thay vì ắc quy chì. Dù chưa có báo cáo công khai từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), nhưng xu hướng chuyển đổi sang vận hành điện hóa, đặc biệt tại các KCN như VSIP, Long Hậu, Deep C, đang diễn ra rất mạnh mẽ. Bằng cách tập trung đầu tư, hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực tại các khu vực này, Việt Nam hướng tới xây dựng một trung tâm sản xuất pin hiệu quả cao. Điều này cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hệ thống logistics tuân thủ quy chuẩn nhằm vận chuyển pin lithium một cách an toàn và hiệu quả.

Một số doanh nghiệp FDI và logistics lớn như DHL Supply Chain, Maersk Việt Nam… đã bắt đầu xây dựng mô hình "kho điện hóa", nơi toàn bộ xe nâng, hệ thống sạc, điện mặt trời và ESS (lưu trữ năng lượng) được tích hợp. Theo mô hình này, pin lithium được kết nối qua nền tảng quản lý điện năng (EMS), tối ưu theo ca làm việc; pin cũ được tái sử dụng trong ESS để lưu trữ điện từ mái nhà, giúp tiết kiệm điện giờ cao điểm; dữ liệu hoạt động (charging cycles, trạng thái pin, cảnh báo nhiệt) được đồng bộ lên cloud theo thời gian thực.

Theo đánh giá nội bộ từ TFV - đơn vị tư vấn và triển khai giải pháp pin lithium cho logistics công nghiệp tại Việt Nam thì mô hình này giúp tăng hiệu suất toàn kho từ 85% lên hơn 92% chỉ sau 6 tháng triển khai.

Theo dự báo của IMARC Group, thị trường pin lithium-ion của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) 10,1% trong giai đoạn 2025 - 2033, do nhu cầu bùng nổ từ ngành xe điện và năng lượng tái tạo. Khi ngành này phát triển, tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ sinh thái hỗ trợ vững chắc càng trở nên thiết yếu. Trong đó, logistics nổi bật như một trụ cột chính đảm bảo chuỗi giá trị pin lithium của Việt Nam từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm hoàn thiện đều có thể vận hành hiệu quả, an toàn và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ngành pin lithium của Việt Nam mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và khẳng định vai trò chiến lược của quốc gia trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch toàn cầu.

Hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới FedEx nhận định, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh các nền kinh tế cùng khu vực đang phát triển nhanh chóng. Các quốc gia như Indonesia và Thái Lan không chỉ mở rộng quy mô sản xuất pin mà còn xây dựng hệ sinh thái tích hợp từ khai thác, sản xuất đến tái chế. Để vươn lên dẫn đầu, Việt Nam cần vượt qua mục tiêu về năng lực, chuyển sang ưu tiên nội địa hóa chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu. 

Khi các tập đoàn quốc tế mở rộng hiện diện tại ASEAN, Việt Nam đối mặt với thách thức kép là thu hút đầu tư bền vững trong khi vẫn phải đảm bảo khả năng phục hồi trước những cú sốc bên ngoài cũng như sự phụ thuộc vào công nghệ.

Với hạ tầng phù hợp, năng lực vững chắc và các đối tác chiến lược, Việt Nam không chỉ sẵn sàng cạnh tranh mà còn sẵn sàng dẫn đầu trong định hình tương lai ngành năng lượng sạch của Đông Nam Á, đồng thời tạo ra giá trị bền vững cho cả nhà đầu tư lẫn ngành công nghiệp.

Minh An (t/h)