Kể từ khi mạng 5G chính thức được cấp phép và triển khai thương mại hóa tại Việt Nam, các nhà mạng lớn trong nước đã có những bước triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả đáng kể, tốc độ truy cập internet cải thiện rõ rệt.

Mạng 5G đang là một động lực tăng trưởng mới cho ngành viễn thông Việt Nam trong bối cảnh thị trường gần như bão hòa. Sự xuất hiện của 5G mang lại kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tiếp theo. Quan trọng hơn, 5G không chỉ là nền tảng để phát triển viễn thông mà còn là cầu nối để chuyển dịch sang một trụ cột khác, đó là ý nghĩa của 5G đối với các doanh nghiệp, là Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, logistics, hay y tế từ xa…
Tuy nhiên, dù 5G mở ra nhiều tiềm năng to lớn cho khối doanh nghiệp, nhưng thực tế triển khai tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu chưa đủ mạnh, trong khi các công nghệ hiện có vẫn đáp ứng được phần lớn yêu cầu sử dụng.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) cho biết, hiện nay nếu xét trên nhu cầu thực tế của phần lớn người dùng, tốc độ truyền dữ liệu trung bình họ cần không quá cao. Bởi người dùng chủ yếu sử dụng các dịch vụ phổ biến như lướt web, xem YouTube, bản đồ, ngân hàng điện tử hay thương mại điện tử, không yêu cầu băng thông lớn. Trên thực tế, một mạng 4G có chất lượng ổn định đã đủ để đáp ứng tốt các nhu cầu này.
Với doanh nghiệp trong nước, họ vẫn chủ yếu sử dụng các công nghệ kết nối cũ nhưng phổ biến như LoRa hoặc một số giải pháp khác. Ngay cả công nghệ NB-IoT (Narrowband IoT) trên nền tảng mạng 4G cũng rất ít được triển khai. Một số đơn vị đã thử nghiệm phát triển các giải pháp IoT, nhưng phần lớn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra, do chưa có thị trường hoặc khách hàng cụ thể. Vì vậy, các ứng dụng IoT dựa trên nền tảng 5G tại Việt Nam hiện gần như chưa xuất hiện trên thực tế.
Theo chuyên gia, một đặc điểm thú vị của ngành viễn thông là công nghệ thường tạo ra nhu cầu, chứ không phải nhu cầu luôn thúc đẩy công nghệ. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, những người làm chủ công nghệ và mạng lưới, cần nghĩ ra các mô hình ứng dụng, dịch vụ và phương pháp sử dụng 5G để giới thiệu và quảng bá đến các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà mạng, doanh nghiệp, và các cơ quan quản lý.
Các nhà mạng tại Việt Nam cũng đang tìm cách đưa 5G vào các ứng dụng thực tế để không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn đóng góp vào các mục tiêu bền vững như thành phố thông minh, nông nghiệp xanh, hay giảm tác động môi trường.