Phối hợp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

14/07/2021 23:29

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Lễ Ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.

Để phát huy có hiệu quả hơn nữa các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thống nhất ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”.

Ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”

Ký kết “Chương trình phối hợp về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu
 sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam
 và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế”

Cục Xuất nhập khẩu - là đầu mối của Bộ Công Thương và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - là đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trực thuộc hai Bộ để phối hợp triển khai Chương trình này một cách hiệu quả và thực chất, đảm bảo đạt được mục tiêu chung đã đặt ra.

Phối hợp chặt chẽ, tích cực và chủ động hơn nữa

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Công Thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là hai ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có mối quan hệ chặt chẽ và hữu cơ với nhau, có tính phụ thuộc vào nhau rất lớn. Bộ trưởng cho biết thêm, Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập với thế giới từ những tiềm năng, lợi thế của đất nước, mà Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nên nông nghiệp sẽ đi trước, Công Thương sẽ tiếp bước đi cùng.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định, các đơn vị trực thuộc hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, tích cực và chủ động hơn nữa trong công tác chuyên môn. Theo đó, tới đây, hai Bên sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, gồm:

Thứ nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp. Thứ trưởng khẳng định, phát triển công nghiệp hướng tới phục vụ nông nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành Công Thương, góp phần cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại và dần thay đổi nền nông nghiệp truyền thống. Bộ Công Thương cam kết hợp tác toàn diện với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ khâu nghiên cứu, phát triển chế tạo đến sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực và coi đây là thị trường lớn cho phát triển công nghiệp trong nước. 

Thứ hai, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Hai Bên sẽ cùng nhau cung cấp thông tin dự báo về nhu cầu thị trường nông, lâm, thủy sản trong nước và nước ngoài; chỉ đạo định hướng sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng trên từng khu vực thị trường. Đồng thời, phối hợp trong thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường nội địa, cân đối cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu.

Thứ ba, đàm phán, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường. Hai Bên cũng sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo các vụ kiện ở nước ngoài đối với hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Thứ tư, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản. Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ cùng phối hợp hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý theo vùng, miền cũng như theo Chương trình OCOP; Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả Chương trình thương hiệu quốc gia để quảng bá thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực.

Thứ năm, đẩy mạnh quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hai Bộ sẽ tăng cường phối hợp tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các lĩnh vực: Kiểm dịch động thực vật (chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật), sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp.

Thứ sáu, phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông sẽ phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế, chính sách để có thể bảo tôn, phát triển ngành nghề, làng nghề một cách ổn định và bền vững. Hai Bên sẽ nỗ lực phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách và chương trình khuyến công, khuyến nông.

Thứ bảy, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Cụ thể, phối hợp và triển khai các đề án, dự án đầu tư hạ tầng logistic, chợ đầu mối đấu giá, trung tâm thương mại nông, lâm, thủy sản để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như công tác truy xuất nguồn gốc.

Thứ tám, điện khí hóa trong nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phối hợp quản lý, khai thác an toàn, hiệu quả hệ thống hồ chứa thủy điện quốc gia, quan trọng là phổ biến và chuyển giao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, năng lượng tái tạo vào sản xuất nông nghiệp.

Khẩn trương thể chế hóa các cam kết

Những nhiệm vụ đặt ra cho hai Bên đều là các vấn đề cấp bách, tuy nhiên, để Chương trình hợp tác đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, Lãnh đạo hai Ngành sẽ tập trung chỉ đạo, trước hết là tập trung tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc bấy lâu nay mà hai Bên chưa giải quyết được hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương thể chế hóa những cam kết trong Chương trình phối hợp bằng những kế hoạch, hành động cụ thể để tiến tới những kết quả rõ nét hơn.

Bộ trưởng cũng đề xuất hai Bên cần thống nhất cử một Cơ quan đại diện làm thường trực và mỗi bên cử một lãnh đạo cấp Bộ để thường xuyên trao đổi thông tin, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình phối hợp. Theo đó,  định kỳ 6 tháng hoặc chậm nhất là một năm, hai Bên cần tiến hành kiểm điểm, đánh giá lại chương trình hợp tác. Trên cơ sở kết quả hợp tác này, Lãnh đạo của hai Ngành chủ động báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có được sự hỗ trợ kịp thời của cấp trên.

Nhất trí cao với những đề xuất của tư lệnh ngành Công Thương, phát biểu tại lễ ký kế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, việc Ký kết hợp tác giữa hai Bộ đã giúp tháo gỡ được một “nút thắt” rất lớn trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Bởi suy cho cùng, thị trường sẽ quyết định mọi thứ. Nông sản muốn đưa được đến tay người tiêu dùng ở trong và ngoài nước thì vẫn cần thị trường và chức năng thị trường nằm phần lớn ở Bộ Công Thương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm và cho rằng: Cần phải gắn kết thông tin kịp thời giữa đầu cung do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý và đầu cầu do Bộ Công Thương quản lý. Khớp nối được những thông tin về nhu cầu và quy chuẩn của thị trường thì chúng ta sẽ chủ động trong lãnh đạo, điều hành sản xuất để thông suốt, không bị ách tắc do mùa vụ.

Do vậy, “Quyết định hợp tác giữa hai Bộ đã giúp mở ra được một bước ngoặt trong việc giải quyết bài toán thị trường” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo đó, Chương trình phối hợp được ký kết sẽ phát huy vai trò quản lý nhà nước của hai Bộ và tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc nhằm triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian tới. Đồng thời, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành của hai Bộ được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân.

Theo Chương trình hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban chỉ đạo thị trường nông sản (gồm 4 Tổ công tác chuyên đề: Tổ mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản; Tổ xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất và phát triển thị trường nông sản; Tổ phân tích, dự báo, định hướng thị trường nông sản; Tổ Truyền thông thị trường nông sản) để chủ động phối hợp các đơn vị của Bộ Công Thương theo định kỳ hoặc đột xuất. Bộ Công Thương cử các đầu mối phụ trách tham gia, phối hợp với các Tổ công tác chuyên đề thuộc Ban Chỉ đạo thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài Chương trình phối hợp chung của hai Bộ, các đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng chương trình phối hợp cụ thể theo tình hình, chức năng, nhiệm vụ đặc thù của các đơn vị.

 

Anh Minh