Phù Ninh (Phú Thọ): Chú trọng phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

06/05/2020 16:31

Nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, Phù Ninh có lợi thế về vị trí, địa lý, nguồn nhân lực, mặt bằng đất đai rộng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang từng bước được hoàn thiện, đặc biệt, có tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua. Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển.

Xác định phát triển CN-TTCN là 1 trong 3 khâu đột phá, tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thời gian qua, huyện Phù Ninh quan tâm, cải cách thủ tục hành chính, triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và có các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, nhờ đó sản xuất CN-TTCN trên địa bàn có bước phát triển tích cực. Huyện chỉ đạo tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển CN-TTCN của Trung ương, tỉnh, huyện đến các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về không gian sản xuất, mặt bằng thuê đất, giải quyết thủ tục hành chính, thuế, đào tạo nghề...; khuyến khích các thành phần kinh tế vào đầu tư sản xuất kinh doanh; bố trí quỹ đất, lựa chọn địa điểm phù hợp để quy hoạch xây dựng, phát triển các khu, cụm CN. Các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trong việc hỗ trợ, tư vấn chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình và kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. 

Cụm Công nghiệp Tử Đà - An Đạo

 

Thực tế cho thấy, sau 4 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển CN-TTCN giai đoạn 2016-2020, sản xuất CN-TTCN của huyện đã đạt kết quả tích cực, phát triển ổn định và ngày càng khởi sắc. Cơ sở và người sản xuất tin tưởng vào chủ trương chính sách phát triển CN-TTCN. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất tăng rõ nét…; các sản phẩm sản xuất ngày càng đa dạng, tập trung vào các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; một số sản phẩm mới đem lại giá trị kinh tế cao, dây chuyền, công nghệ sản xuất được đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành CN-TTCN. 

Dây chuyền sản xuất hiện đại đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm của 
Công ty TNHH Paldo - Cụm Công nghiệp Đồng Lạng

 

Ước giá trị sản xuất toàn ngành CN trên địa bàn huyện đạt hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 163,4% so năm 2015; giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,07%/năm, vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Hiện các doanh nghiệp có thế mạnh của huyện tiếp tục phát triển ổn định như sản xuất giấy, chế biến gỗ, may mặc, điện tử, sản phẩm từ nhựa PP, PE, ngành nghề TTCN khu vực nông thôn phát triển mạnh, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thời gian tới, huyện Phù Ninh sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư; đồng thời ưu tiên, bố trí mặt bằng phù hợp để các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Tổ chức bố trí không gian sản xuất công nghiệp hợp lý, duy trì các ngành, sản phẩm lợi thế, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp Phù Ninh, Cụm công nghiệp Phú Gia, Rừng Xanh và khu vực Tổng công ty Giấy Việt Nam. Phát triển các ngành công nghiệp mới, sản phẩm mới, sử dụng nhiều lao động như cơ khí, điện tử, dệt may, vật liệu xây dựng chất lượng cao, gỗ gia dụng…; chú trọng thu hút các dự án có quy mô lớn công nghệ cao, đưa các dự án sử dụng nhiều lao động về nông thôn. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp như chế biến nông lâm sản, cơ khí vật liệu xây dựng nhằm tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp chiếm 50-55%.

Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, làng có nghề truyền thống, chú trọng nhân cấy nghề mới, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động nhất là ở khu vực nông thôn, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

 Với chủ trương thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Phù Ninh đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Việc thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đưa huyện Phù Ninh phát triển nhanh, bền vững.

Theo Phạm Đăng

"https://thuonghieucongluan.com.vn/phu-ninh-phu-tho-chu-trong-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-a97559.html"