Quảng Bình: Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

04/07/2023 08:20

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững”.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003-5/7/2023).

Trong 20 năm qua, dưới sự giám sát của UNESCO và các bộ, ngành Trung ương cũng như sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị di sản, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG Phong Nha-Kẻ Bàng) được giữ gìn, bảo tồn một cách nguyên vẹn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước được triển khai hiệu quả; đa dạng sinh học và công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn có nhiều chuyển biến; nhận thức và thái độ của người dân được nâng cao thông qua việc tuyên truyền; sinh kế và lợi ích của cộng đồng từ phát triển du lịch cũng như các chính sách ưu tiên của nhà nước được quan tâm…

Quảng Bình: Bảo tồn, khai thác Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã bảo tồn gần 3.000 loài thực vật và 1.400 loài động vật, trong đó có 43 loài mới được ghi nhận, công bố trên toàn thế giới. Phát hiện, bảo vệ nguyên vẹn 425 hang động, trong đó đã đưa vào khai thác du lịch, kiểm soát an toàn sinh thái và giá trị địa chất địa mạo đối với 12 hang động; bảo vệ tốt giá trị của di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Cảnh quan sinh thái của toàn bộ khu vực, từng bước xây dựng, phát triển hướng tới đạt tiêu chuẩn Khu du lịch Quốc gia vào năm 2025 và Trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2030. 

Hội thảo quốc tế lần này là cơ hội để góp thêm tiếng nói, kinh nghiệm, trí tuệ của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng quốc tế cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng…

Tại buổi hội thảo, một số tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế được trình bày liên quan đến nhiều lĩnh vực, như: Nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, khảo cổ, hang động, địa chất, văn hóa, du lịch, phát triển, truyền thông… 

Các báo cáo tham luận cũng phân tích những cơ hội, thách thức về thực trạng, triển vọng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản trong thời gian tới. Làm rõ mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo tồn Di sản bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn các giá trị của Di sản; khuyến nghị hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển bền vững Di sản thế giới theo quan điểm của UNESCO. Một số vấn đề trong quản lý Di sản thế giới tại Việt Nam và tầm nhìn cho Di sản liên biên giới đối với VQG Phong Nha - Kẻ Bàng - VQG Hin Nậm Nô (Lào). Lịch sử địa chất hang động và những giá trị Di sản tiêu biểu của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng kết quả 20 năm khám phá hang động Quảng Bình của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh. Kết quả và đề xuất các cơ hội hợp tác liên biên giới với Phong Nha - Kẻ Bàng. Tất cả các Di sản hang động Karst tiêu biểu làm nên giá trị mỹ học của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và đề xuất các giải pháp để Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quảng Bình: Bảo tồn, khai thác Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 2.

Đồng chí Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND Quảng Bình phát biểu

Đồng chí Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Hội thảo lần này đã đem đến cái nhìn mới, đầy đủ hơn, toàn diện hơn về giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo nhiều hơn nữa của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để giữ gìn và phát huy giá trị của Di sản thế giới cũng như việc xây dựng, đệ trình hồ sơ đề nghị công nhận VQG Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 3 (theo tiêu chí vii), xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng đạt tiêu chuẩn Khu du lịch Quốc gia vào năm 2025, Trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế vào năm 2030. 

Thời gian tới, đồng chí cam kết, khẳng định sẽ làm hết sức để bảo tồn, khai thác Di sản có hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với tỉnh Khăm Muồn (Lào) để liên kết, hợp tác, phát triển quần thể danh thắng và du lịch độc đáo trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Quảng Bình: Bảo tồn, khai thác Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại hội thảo

Bên lề hội thảo là không gian trưng bày các Di sản thế giới tại Việt Nam; thành tựu 20 năm bảo tồn và phát triển của Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; không gian văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Quảng Bình cùng các điểm du lịch nổi tiếng, ấn tượng tại Quảng Bình; các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP của tỉnh Quảng Bình.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan thực tế tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, gồm: Động Phong Nha, động Thiên Đường; vườn Thực vật - Khu cứu hộ động vật hoang dã, khu Du lịch sinh thái OZO Park.

Ngọc Tú - Hồng Hải