Sáng nay, Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

21/04/2024 08:59

Sáng nay, 21/4, tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Dự án tuyến cao tốc Cửa khẩu Hữu nghị - Chi Lăng có chiều dài gần 60 km gồm tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km và tuyến kết nối với Cửa khẩu Tân Thanh dài gần 17 km, tổng mức đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 50%. Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. (Ảnh: Chí Bình)Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. (Ảnh: Chí Bình)

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là điểm đầu của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng lại được đầu tư thực hiện gần như cuối cùng. Do đó, tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm tập trung chỉ đạo để cùng với nhà đầu tư đề xuất dự án sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Dự án có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Lạng Sơn vì khi hoàn thành đầu tư sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đến Thủ đô Hà Nội, kết nối, liên kết giữa các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị của Lạng Sơn với các tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hưng Yên.

Đến nay, dự án đã đủ điều kiện thực hiện thi công, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, UBND 4 huyện, thành phố có dự án đi qua đã thực hiện cơ bản xong công tác lựa chọn đơn vị trích đo thửa đất để thực hiện thông báo thu hồi đất và đang triển khai xây dựng 7 vị trí khu tái định bố trí cho các hộ bị ảnh hưởng.

Phối cảnh dự án.Phối cảnh dự án.

Nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen do Tập đoàn Đèo cả đứng đầu. Đây cũng là nhà đầu tư đã “giải cứu” thành công cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm.

Đại diện liên danh nhà đầu tư cho biết tại dự này, họ áp dụng mô hình PPP++. Đây là giải pháp đa dạng hoá nguồn huy động vốn cho các dự án đầu tư PPP hiện nay. Trong đó, P1++ là phần vốn ngân sách nhà nước, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn ngân sách địa phương; P2++ là vốn chủ sở hữu; P3++ là vốn huy động từ tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng BCC, nguồn vốn nước ngoài, từ các nhà đầu tư thứ cấp…

Theo mô hình này, nhà thầu tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, dự án được triển khai thi công theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công, hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư bởi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được góp trở lại vào vốn đầu tư dự án, lợi ích và trách nhiệm của nhà thầu gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, gắn liền với hiệu quả thực hiện, vận hành dự án.

Thiên Trường (t/h)