Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số là chỉ đạo rất là cụ thể và cũng thể hiện rất là đúng đắn trong việc tập trung với nguồn lực cho 2 lĩnh vực chủ chốt, là những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế bền vững cho trong giai đoạn tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Và muốn đạt được mục đích tăng trưởng 2 con số thì các lĩnh vực này phải đi trước, phát triển như là nền tảng để phát triển kinh tế ngành nghề khác.
Theo ông, hiện nay đã có 21 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia đủ số lượng 500.000 tỷ đồng với 3 quy mô khác nhau. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) đăng ký tham gia 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi nhà băng 60.000 tỷ. Ngoài ra, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký 20.000 tỷ đồng mỗi đơn vị. 5 nhà băng khác tham gia khoảng 4.000 tỷ đồng một ngân hàng.
"Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng tiếp tục chuẩn bị trong tháng 5, để sớm đưa gói tín dụng vào triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Tú nói, thêm rằng đây là công cụ điều hành vĩ mô, không đơn thuần chính sách tín dụng.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, gói tín dụng 500.000 tỷ đồng không dùng tiền từ ngân sách, vốn vay nước ngoài. Các ngân hàng thương mại sẽ huy động nguồn lực cho gói tín dụng trên cơ sở cơ cấu lại vốn, thời gian cho vay.
Lãi suất ưu đãi dự kiến thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại (6,34% tính tới ngày 10/4, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước), duy trì trong hai năm để doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai dự án.
Với hình thức này, gói tín dụng đảm bảo linh hoạt, giảm gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn hỗ trợ cho các lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ là rất lớn, nên cần xác định rõ "địa chỉ". Danh mục ưu tiên vay từ gói tín dụng 500.000 tỷ đồng sẽ được các ngân hàng xác định dựa trên đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương. Việc này nhằm bám sát chủ trương Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Chính phủ để không dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
Bởi trong hàng trăm nghìn dự án, không phải dự án nào cũng phù hợp hoặc cấp thiết để được hỗ trợ.
Thời hạn vay các dự án hạ tầng thường kéo dài 5-10 năm, trong khi vốn huy động của nhà băng chủ yếu là ngắn hạn, nên theo ông Tú cần điều phối linh hoạt, tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống tín dụng.