Tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy yếu do đại dịch Covid-19

13/04/2020 21:27

Theo số liệu mới được công bố của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1/2020 đạt mức 3,82% , tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều suy yếu.

Theo đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27% . Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08% . Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% .

Đáng nói, đại dịch đã gây hưởng mạnh lên khu vực dịch vụ nhất là hai ngành vận tải, kho bãi (giảm 0,9%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 11%).

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu ở mức 0,08%. Dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu khiến sản lượng ngành nông nghiệp giảm sút. Xuất khẩu nông sản giảm mạnh do dịch Covid-19.

 

Công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,12% trong Quý 1. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,18%. Trong Quý 1, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 5,28%. Chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 24,9%.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, chỉ số PMI đã giảm mạnh, 41,9 điểm. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy chỉ có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất sẽ tốt lên trong Quý 2; 25,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Các chỉ báo cho thấy mức độ lạc quan trong kinh doanh thấp nhất kể từ tháng 4/2012 đến nay.

Trong Quý 1, cả nước có 29.711 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng mạnh 30.902 doanh nghiệp. Số lượng việc làm mới trong Quý 1/2020 tăng 1,2% .

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với Q1/2019 (1,6% nếu loại trừ yếu tố giá). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2020, giảm 9,6%; du lịch lữ hành giảm 27,8%.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,2%. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 20,9%

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,2 tỷ USD.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) chiếm 68,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 40,43 tỷ USD, giảm 2,9%. Điều này cho thấy, khu vực FDI vẫn là khu vực chủ lực trong xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về lạm phát, CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%. Sau khi tăng mạnh kể từ quý 3/2019, giá cả tiêu dùng bắt đầu giảm từ tháng 2/2020.

Với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân  của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I.

Trong năm 2020, rủi ro lạm phát do cầu kéo gần như không có; rủi ro từ tỷ giá ở mức thấp; trong khi rủi ro do gián đoạn nguồn cung (lương thực thực phẩm) tăng lên. Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,0% có thể đạt được nếu giá cả lương thực thực phẩm được kiểm soát tốt.

Về cán cân ngân sách dự toán NSNN năm 2020 ước tính tổng số thu NSNN đạt 1.512,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với ước thực hiện năm 2019.

Thực tế 3 tháng đầu năm cho thấy tổng thu NSNN lũy kế thu quý I/2020 đạt 391 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán. Các khoản thu có tiến độ đạt khá là thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân.

Tổng chi NSNN năm 2020 theo dự toán ở mức 1.747,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán năm 2019. Trong đó, chi thường xuyên chiếm 60,5%, chi đầu tư phát triển chiếm 26,9% chi NSNN.

Tổng chi NSNN quý I ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán. Chi thường xuyên đạt 246,6 nghìn tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo VEPR, tổng thu NS năm nay có thể không đạt kế hoạch do: kết quả kinh doanh sụt giảm của các doanh nghiệp; sự sụt giảm thu nhập của người lao động; sự thắt chặt đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, tổng chi có thể tăng vượt dự toán để giảm thiểu tác động của bệnh dịch.

Dự kiến thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng, Thâm hụt ngân sách của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 1,5-1,6 điểm phần trăm lên 5%-5,1% GDP.

Theo Hưng Khánh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/tang-truong-kinh-te-viet-nam-suy-yeu-do-dai-dich-covid-19-a94285.html"