Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp ngành hàng rau quả xuất khẩu sụt giảm. Lũy kế 5 tháng ước đạt 2,1 tỷ USD, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2024.
Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh nhiều loại trái cây bước vào chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nhưng đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn, kéo theo giá bán trong nước sụt giảm mạnh. Cụ thể, xoài Đài Loan chỉ còn 1.000 - 3.000 đồng/kg, mận An Phước từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, mít Thái 2.000 - 3.000 đồng/kg, sầu riêng 30.000 - 40.000 đồng/kg…

Ảnh minh họa: Internet
Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan tiếp tục là 5 thị trường dẫn đầu về nhập khẩu rau quả của nước ta. Tuy nhiên có tới 3/5 thị trường ghi nhận đà giảm sút.
Cụ thể 4 tháng đầu năm 2024, rau quả Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc đạt 777 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ, Hàn Quốc đạt 101 triệu USD giảm 5% và Thái Lan đạt 57 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ và Nhật Bản lại ghi nhận tăng trưởng, lần lượt là 154 triệu USD, tăng 65% và đạt 75 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu giảm thì nhập khẩu rau quả lại tăng nhẹ. Tháng 5, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 195 triệu USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu đạt 810 triệu USD. Nhờ đó, Việt Nam vẫn duy trì mức xuất siêu khoảng 1,2 tỷ USD trong lĩnh vực rau quả.
Về thị trường nhập khẩu rau quả, Trung Quốc, Mỹ, Australia là ba thị trường dẫn đầu về việc cung ứng rau quả cho thị trường Việt Nam.
Chia sẻ với các cơ quan báo chí, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Trong các tháng tới, triển vọng xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nhiều yếu tố thuận lợi như sản lượng dồi dào, mùa vụ ổn định, chất lượng sản phẩm được nâng cao, cùng với việc mở rộng thị trường và cải thiện năng lực đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật từ đối tác nhập khẩu - đặc biệt là về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý, từ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại vùng trồng đến hỗ trợ thông quan tại cửa khẩu, đang tiếp thêm sự tự tin cho doanh nghiệp và nông dân trong hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, châu Âu và Nam Á cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới cho trái cây Việt Nam.
Tương tự Việt Nam, theo Bangkok Post, Thái Lan cũng đang vào mùa thu hoạch rộ khiến nguồn cung trái cây dồi dào; đặc biệt là các loại xoài, măng cụt, chôm chôm và sầu riêng. Ước tính từ các vùng trồng trọng điểm sản lượng trái cây khoảng 3,4 triệu tấn, tăng thêm 22% so với năm 2024.
Để giải quyết tình trạng nguồn cung dư thừa, chính phủ Thái Lan đã công bố kế hoạch hỗ trợ toàn diện, huy động 27 doanh nghiệp tham gia thu mua 103.000 tấn trái cây, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2025, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 8,8 tỷ USD.