Thị trường ô tô Việt Nam sẽ ngày càng sôi động và đa dạng sản phẩm

27/05/2025 09:11

Trong tương lai, thị trường ô tô Việt Nam sôi động hơn, khách hàng sẽ được hưởng lợi, có thêm lựa chọn, cuộc cạnh tranh mang lại sản phẩm đa dạng, hợp lý, đi đúng với quy luật cung cầu.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Hiện cả nước có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%.

Thị trường ô tô Việt Nam sẽ ngày càng sôi động và đa dạng sản phẩm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vneconomy

Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô hiện có chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1 và 150 nhà cung cấp cấp 2,3. Thị trường ô tô Việt Nam đang có không ít tên tuổi lớn tham gia sản xuất, phát triển ô tô như Thaco, Vinfast, TC Motor, các liên danh sản xuất xe đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… 

Xét về quy mô, mỗi năm tại Việt Nam mới có khoảng 400.000 - 500.000 ô tô được tiêu thụ. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... còn nhiều dư địa tăng trưởng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng gia tăng. Do đó, trong tương lai, thị trường ô tô Việt Nam sôi động hơn, khách hàng sẽ được hưởng lợi, có thêm lựa chọn, cuộc cạnh tranh mang lại sản phẩm đa dạng, hợp lý, đi đúng với quy luật cung cầu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Whatcar, chuyên gia ngành ô tô, một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là sự tham gia ngày càng sâu rộng của các doanh nghiệp quốc tế. Các tập đoàn lớn như Geely, Skoda Auto, và GM - SAIC - Wuling không chỉ nhìn thấy tiềm năng tiêu thụ của thị trường Việt Nam mà còn coi đây là một “cứ điểm” để sản xuất và xuất khẩu.

Một trong những dự án đáng chú ý nhất là liên doanh giữa Tasco và Geely Auto Group. Dự án này không chỉ tập trung sản xuất các mẫu xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto mà còn dự kiến xuất khẩu sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Với công suất 75.000 xe/năm và quy mô vốn đầu tư lên tới 168 triệu USD, dự án đặt mục tiêu tạo ra một nền tảng sản xuất ô tô hiện đại tại Thái Bình.

Với sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp, liên danh mới, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng, từ đó thị trường ô tô sẽ có sự thay đổi lớn về sản phẩm. Các doanh nghiệp sẽ phải đối đầu với “cuộc chiến” về giá và dài hạn hơn là cuộc cạnh tranh về tiện nghi, hậu mãi, thiết kế - các yếu tố chính mang lại sự phát triển bền vững. Nếu như cuộc chiến về giá giúp doanh nghiệp giành được thị phần, thì cuộc cạnh tranh về chính sách hậu mãi sẽ giữ chân khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, hiện tại, Việt Nam có 3 doanh nghiệp tiến hành chuỗi cung ứng riêng gồm Vinfast, TC Motor và Thaco. Khi đã có “đầu tàu”, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô sẽ đứng trước cơ hội lớn mạnh. Với sự tiên phong của các doanh nghiệp trên sẽ tạo ra hệ sinh thái ô tô cho Việt Nam, từ đó mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp ô tô và sản xuất nội địa, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô tiến xa hơn trong tương lai.

Minh An (t/h)