Trẻ 5-11 tuổi mắc COVID-19 sẽ tiêm vắc xin sau 3 tháng khỏi bệnh

13/04/2022 14:16

Theo Bộ Y tế, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 sẽ trì hoãn việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sau khi mắc bệnh 3 tháng.

Ngày 13/4, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, Viện Vệ sinh dịch tễ, Cục Y tế… về vấn đề tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người đã mắc COVID-19.

Về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19, trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia và ý kiến của chuyên gia, Bộ Y tế đề nghị trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng. Như vậy, với trẻ ở độ tuổi này đã khỏi COVID-19 trong vòng 3 tháng sẽ không tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bộ cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đi học từ 5 đến dưới 12 tuổi để chuẩn bị tiêm chủng.

Trẻ 5-11 tuổi mắc COVID-19 sẽ tiêm vắc xin sau 3 tháng khỏi bệnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến về tập huấn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, chiều 31/3, GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng nên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi sau khi khỏi bệnh khoảng 3 tháng.

"Trẻ em mắc COVID-19 nhẹ nên có thể hệ miễn dịch chưa đầy đủ, vì vậy cần thiết tiêm vắc xin sau khi nhiễm để phòng bệnh. Thời điểm tiêm là ba tháng sau khi mắc bệnh, khi đó cơ thể trẻ đã hồi phục và đảm bảo an toàn tiêm chủng”, GS.Lân nói.

Tại buổi cung cấp thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: “Hiện Bộ Y tế đã đã tiếp nhận lô vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên do Úc viện trợ. Lô vắc xin này đang được kiểm định chất lượng. Sau khi kiểm định cùng với công tác chuẩn bị tại các địa phương, dự kiến tuần tới sẽ triển khai tiêm cho trẻ trên diện rộng”.

Theo kế hoạch, các địa phương sẽ triển khai tiêm cho trẻ lớp 6 trước, sau đó hạ dần độ tuổi.

Về phản ứng sau tiêm, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, với hai loại vắc xin đã được phê duyệt để tiêm cho nhóm trẻ này, các phản ứng cũng tương tự như với nhóm 12-17 tuổi. Các phản ứng thông thường như: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, tiêu chảy... xảy ra ở mũi 2 nhiều hơn mũi 1; trẻ có thể gặp các phản ứng ít gặp như: Buồn nôn, sưng đau tại chỗ tiêm; rất hiếm gặp như: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

“Tuy nhiên, chúng ta không căn cứ vào tỷ lệ phản ứng thấp là bao nhiêu, mà luôn phải có tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xử lý kịp thời tất cả các tình huống có thể xảy ra”, PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định.

Bộ Y tế cũng lưu ý, cha mẹ phải theo dõi sức khoẻ của trẻ trước ngày tiêm, xem trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp hay bất thường gì không. Khi trẻ thực sự khoẻ mạnh, cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng; lưu ý tránh lây nhiễm khi đi tiêm... Nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc chưa xác định, cha mẹ cũng không nên đưa đi tiêm trong thời điểm đó.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo các phụ huynh cần lắng nghe nhân viên y tế tư vấn cụ thể về vắc xin, về tiêm chủng đối với trẻ, tuân thủ việc để trẻ ở lại theo dõi ít nhất 30 phút sau khi  tiêm, báo lại tình trạng sức khoẻ của con em mình cho nhân viên y tế.

Có hai loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vắc xin Pfizer và vắc xin Moderna. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vắc xin, không tiêm trộn với bất kỳ vắc xin mRNA nào.

Riêng đối với liều tiêm thì vắc xin Pfizer có liều tiêm 02,ml, tiêm bắp; vắc xin Moderna tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vắc xin cho người lớn liều nhắc lại, tiêm bắp.

HM