Vĩnh Phúc: Để kiểm soát, làm "sạch" thị trường rượu

08/01/2021 22:00

Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra gần 150 cơ sở kinh doanh rượu, lấy mẫu 5 cơ sở sản xuất rượu thủ công mang đi kiểm nghiệm.

Để kiểm soát thị trường rượu, không để rượu lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng lưu thông, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra một số cơ sở kinh doanh rượu 
trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên dịp cận Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: Trường Khanh

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra gần 150 cơ sở kinh doanh rượu, lấy mẫu 5 cơ sở sản xuất rượu thủ công mang đi kiểm nghiệm; song, không phát hiện trường hợp nào SXKD rượu không bảo đảm chất lượng.

Thành phố Vĩnh Yên là nơi tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh rượu ngoại, mức tiêu thụ rượu khá cao do có số lượng cơ sở kinh doanh ăn uống lớn, trong năm 2020 đến nay, nhờ tăng cường các giải pháp kiểm soát thị trường rượu, Đội QLTT số 1 đã phát hiện 3 vụ việc rượu nhập lậu, với số lượng gần 150 chai rượu ngoại không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 32 triệu đồng; trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ hơn 18 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Đạm, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh tình trạng SXKD rượu, song rượu lậu, rượu không bảo đảm chất lượng vẫn tiềm ẩn phức tạp; cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa với các hành vi vi phạm trên.

Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có quy định: “Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định; tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến, phải đăng ký với UBND cấp xã…”.

Thực tế, địa bàn tỉnh chủ yếu là các cơ sở sản xuất rượu thủ công, với quy mô nhỏ, lẻ, tự phát theo hộ gia đình, không được đầu tư trang thiết bị máy móc…; khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, các cơ sở sản xuất rượu, kinh doanh nhà hàng ăn uống đều trả lời với lực lượng chức năng là họ tự nấu để sử dụng, không có mục đích kinh doanh nên không đăng ký với chính quyền địa phương. Do vậy, chất lượng rượu thủ công khó được kiểm soát.

Bên cạnh đó, hiện nay sản phẩm rượu ngâm rất được ưa chuộng trên thị trường, loại rượu này cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc lớn.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chế tài cụ thể nào để tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt các cơ sở kinh doanh rượu ngâm không rõ nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ rượu tăng mạnh, lợi dụng điều này, các đối tượng buôn lậu tìm mọi thủ đoạn để tuồn các loại rượu ngoại giả, nhái, rượu kém chất lượng vào thị trường.

Việc buôn bán rượu ngoại nhập lậu đem lại lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu thường bỏ qua sức khỏe của người tiêu dùng, bằng mọi cách, có các thủ đoạn tinh vi để thu lời bất chính.

Để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các cơ sở kinh doanh mặt hàng rượu ngoại thường không trưng bày mà khi có yêu cầu của khách hàng mới mang ra bán…

Để tăng cường công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong SXKD rượu, không để xảy ra các vụ ngộ độc rượu, lực lượng công an tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rượu, nguy hại từ việc sử dụng rượu không có nguồn gốc, rượu giả, rượu kém chất lượng.

Chủ động rà soát, kiểm tra thu hồi các sản phẩm rượu được pha chế từ cồn công nghiệp, rượu giả, rượu kém chất lượng…

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan như Thanh tra y tế, Chi cục ATVSTP tỉnh, Cục QLTT và chính quyền cơ sở rà soát, nắm tình hình hoạt động SXKD rượu thủ công trên địa bàn; kiên quyết xử lý các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc không có giấy phép sản xuất, kinh doanh theo quy định; tiến hành tiêu huỷ các loại rượu, nguyên liệu sản xuất rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn...

Theo kế hoạch thực hiện đợt cao điểm cuối năm, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân vui Tết, đón Xuân, lực lượng chức năng đưa mặt hàng rượu là một trong những mặt hàng trọng điểm kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm ổn định thị trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Bên cạnh các giải pháp của lực lượng chức năng thì mỗi người tiêu dùng tự trang bị đầy đủ các kiến thức, lựa chọn các sản phẩm rượu an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo sức khoẻ bản thân và những người xung quanh.

Theo Kim Hiền

"https://thuonghieucongluan.com.vn/vinh-phuc-de-kiem-soat-lam-sach-thi-truong-ruou-a123943.html"

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Để kiểm soát, làm "sạch" thị trường rượu" tại chuyên mục XÃ HỘI.