Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang Đức trong 5 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt gần 11 triệu USD, giảm 33%. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến đóng hộp chiếm tới hơn 68% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn lại chủ yếu là thịt/loin (thăn) cá ngừ đông lạnh.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong giai đoạn này, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh đông lạnh sang Đức tăng tới 81%, nhưng do cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm tới 48%.

Ảnh minh họa: Internet
Theo các doanh nghiệp cá ngừ, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thiếu nguồn nguyên liệu cá ngừ vằn trong nước khiến doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng XK sang thị trường này. Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng nguyên liệu NK từ các nước EU để thay thế nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định về xuất xứ, nhưng điều này làm gia tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam.
Hiện tại, Đức tiếp tục là một trong những thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn tại châu Âu, đặc biệt với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp. Dữ liệu từ EUMOFA, người tiêu dùng Đức có xu hướng ngày càng ưu tiên các sản phẩm thủy sản tiện lợi, giàu đạm và có chứng nhận bền vững như MSC (chứng nhận do Hội đồng Quản lý biển cấp cho một đơn vị nghề cá khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản).
Trước tình hình thuế đối ứng của Mỹ tăng cao hơn, các doanh nghiệp có xu hướng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như các nước EU, châu Á… để tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, giảm rủi ro.
"Tuy nhiên, để làm được điều này doanh nghiệp rất mong Chính phủ sớm “khai thông” cho nguồn cá ngừ nguyên liệu trong nước và giải quyết các vấn đề tắc nghẽn trong khâu cấp chứng từ khai thác cho doanh nghiệp", VASEP kiến nghị.