Riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục giảm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp đi xuống. Tỷ trọng sầu riêng trong nhóm rau quả xuất khẩu cũng rớt từ 35% xuống còn 17%. Nguyên nhân là Trung Quốc - thị trường chiếm đến 72% lượng sầu riêng xuất khẩu - giảm mạnh nhập khẩu.
5 tháng qua, Việt Nam chỉ thu về 278 triệu USD từ thị trường này, giảm 67% so với cùng kỳ. Sầu riêng - mặt hàng chủ lực lao dốc đã kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 13,5%.
Theo các doanh nghiệp, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn do nước này liên tục gia tăng kiểm soát kỹ thuật, đặc biệt là đối với hóa chất Vàng O – chất bị cấm vì nguy cơ gây ung thư.
Ảnh minh họa: Internet
Sầu riêng Việt Nam còn vấp phải cạnh tranh từ các nước khác. Cụ thể, Thái Lan và Malaysia đã vào vụ thu hoạch chính, với sản lượng lớn (Thái Lan gấp đôi Việt Nam) và chất lượng ổn định hơn (đặc biệt là giống Monthong so với Ri6 của Việt Nam). Điều này làm sầu riêng Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trên thị trường Trung Quốc.
Chưa nói, Malaysia gần đây đã được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam, vốn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu), chịu áp lực giảm giá khi nguồn cung quốc tế dồi dào hơn.
Một nguyên nhân đáng lo ngại gần nhất là thời tiết. Theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam hiện thiếu đầu ra khi không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, lý do chính là những trái già chưa đạt độ chín vàng mềm do mùa mưa tới sớm khiến quả “bị sượng”. Nhiều chuyên gia còn cho biết giá thời gian tới dự kiến có thể giảm tiếp.
Vì rủi ro cao, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ dám xuất theo đơn nhỏ lẻ, không ký hợp đồng lớn, do lo ngại hàng hư nếu bị chậm thông quan. Một số doanh nghiệp thậm chí ngừng xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
Dù giá có nhiều biến động, song sầu riêng vẫn là loại quả có nhu cầu cao, đặc biệt thị trường Trung Quốc. Theo chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu sầu riêng cao.
Trong khuôn khổ hội đàm giữa Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc ngày 28/5, hai bên thống nhất tăng thời gian làm việc, bổ sung nhân lực tại cửa khẩu, nhằm giảm ùn tắc mùa vụ.
Trung Quốc cũng đã cập nhật thêm 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói Việt Nam được phép xuất sầu riêng, đây là bước tiến kỹ thuật và động viên lớn với doanh nghiệp, nông dân. Việt Nam cũng đã đề xuất 3 hướng hợp tác: điều chỉnh chính sách an toàn thực phẩm theo hướng thuận lợi hơn, tăng tốc thông quan và phê duyệt thêm phòng lab đầy đủ điều kiện kiểm định Cadimi, Vàng O... Việt Nam cũng đã gửi báo cáo chứng minh nỗ lực kiểm soát chuỗi sản xuất - sơ chế - xuất khẩu.