554 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 5 tháng đầu năm

07/06/2023 08:59

Trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 1.744 doanh nghiệp thành lập mới.

Báo cáo chuyên đề "Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố ngày 6/6 đã cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của bất động sản (BĐS).

Theo VARS, trong suốt thời gian dài, kể từ đầu năm 2022, dù Chính phủ liên tục công bố các giải pháp "giải cứu" thị trường BĐS, nhưng các chính sách vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.

VARS cho biết năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018. Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn.

Quý I/2023, nguồn cung đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn.

Trong khi nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cũng sụt giảm vì nhiều lý do, bao gồm lãi suất cao, khó khăn trong vay vốn mua bất động sản, sản phẩm không hấp dẫn …

Thị trường thiếu nguồn cung, doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn - Ảnh 1.

Tính riêng trong quý I, doanh thu của các doanh nghiệp BĐS giảm 6,46% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%

Theo khảo sát của VARS, trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 1.744 doanh nghiệp thành lập mới.

Về doanh thu, tính riêng trong quý I, doanh thu của các doanh nghiệp BĐS giảm 6,46% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.

Khó khăn trên cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp BĐS có tổng tài sản lớn nhất (tính tại thời điểm ngày 31-12-2022) cho thấy, có tới 6 DN phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý II-2022.

Ví dụ, Tập đoàn Đất Xanh cắt giảm 41% nhân sự trong năm 2022, Novaland giảm 20% hay Sunshine Homes giảm 16%… Đến quý I/2023, ngay cả Vinhomes – doanh nghiệp bất động sản lớn nhất thị trường – cũng cắt giảm 1.527 nhân sự.

Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động. Thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO …

Thị trường thiếu nguồn cung, doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn - Ảnh 2.

Những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản – cầu nối giữa chủ đầu tư với khách hàng – cũng bị đặt vào thế khó khi thị trường không có sản phẩm hay khách hàng. Kết quả khảo sát của VARS với các sàn giao dịch bất động sản hội viên cho thấy hơn 90% các sàn ghi nhận doanh thu quý I giảm so với cùng kỳ. Trong đó, có 39% doanh nghiệp ghi nhận mức giảm 20-50%, 61% doanh nghiệp giảm hơn 50%.

Trên 95% sàn giao dịch phải thu hẹp quy mô lao động và 50% giảm lao động trên 20% so với quý II/2022. Một số doanh nghiệp nhỏ sa thải gần như toàn bộ lực lượng lao động, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu.

Nếu tình hình thị trường tiếp tục diễn biến khó khăn, 23% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết chỉ duy trì được hoạt động đến hết quý III, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm.

Thanh Thủy