Hà Nội: Thị trường khách sạn dịch chuyển dần sang phân khúc 4 - 5 sao

28/04/2024 09:41

Báo cáo thị trường khách sạn của Savills cho thấy, tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn 4, 5 sao đang phát triển mạnh mẽ, trong khi nguồn cung phân khúc khách sạn 3 sao dần biến mất khỏi thị trường.

Trong quý I/2024, nguồn cung khách sạn ghi nhận 67 dự án với 11.120 phòng, giảm 1% theo quý. Tuy nhiên, với việc có 2 dự án khách sạn được cấp hạng 4 sao và 4 dự án được cấp hạng 5 sao trong 2023, nguồn cung lại ghi nhận mức tăng 8% theo năm.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ, phân khúc khách sạn đang có xu hướng dịch chuyển dần sang hạng 4 đến 5 sao. Thị trường ghi nhận sự thanh lọc với những nguồn cung kém chất lượng.

Trong năm qua, nhiều khách sạn 5 sao ở Thủ đô mở cửa trở lại như Movenpick, Hilton và Fusion. Ngoài ra, còn có một số dự án 5 sao đáng chú ý khác bao gồm: L7 Westlake, Dusit Từ Hoa Palace, The Ritz Cartlon, Four Seasons, Waldorf Astoria Hanoi và Fairmont. Công suất phòng đạt 65% trong quý I, tăng 7% theo năm. Giá thuê trung bình cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Chuyên gia này đánh giá, việc phát triển của các phân khúc 4 đến 5 sao phản ánh xu hướng khách hàng có nhu cầu ngày càng nhiều đối với trải nghiệm lưu trú cao cấp và đầy đủ tiện ích. Dự kiến, 9 dự án 5 sao sẽ chiếm 76% thị phần nguồn cung tương lai và các dự án 4 sao sẽ chiếm 24%. Đáng chú ý, không có dự án 3 sao đi vào hoạt động tại Hà Nội trong vòng ba năm tới.

Hà Nội: Thị trường khách sạn dịch chuyển dần sang phân khúc 4 - 5 sao- Ảnh 1.

Tình hình hoạt động của phân khúc khách sạn 4, 5 sao đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Internet

Báo cáo quý I của Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận công suất thuê và giá thuê phòng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng bình quân cả thị trường cơ bản ổn định so với quý trước. Lý do là lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Việt Nam đầu năm nay tăng trưởng tích cực. Riêng lượng khách quốc tế đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ, thậm chí tăng nhẹ so với trước dịch bệnh, đạt hơn 4,6 triệu lượt.

Riêng tại Hà Nội, một thành phố trọng điểm về du lịch lữ hành, tính từ đầu năm 2024 tới nay đã đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 11% theo năm. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt, tăng 40% theo năm; khách nội địa đạt 5,1 triệu, tăng 5% theo năm. Sự gia tăng về lượt khách du lịch đã mở ra cơ hội lớn cho ngành khách sạn, đặc biệt khi con số này mới chỉ bằng 87% so với số liệu năm 2019, nghĩa là thị trường vẫn còn dư địa để phát triển.

Với những tiềm năng tuyệt vời như cảnh quan thiên nhiên, từ thành phố đến núi non, từ biển xanh cát trắng đến những khu rừng nguyên sinh sống động đi kèm với giá trị văn hóa và nền ẩm thực hấp dẫn… du lịch nước ta đã có sự phục hồi đáng kể. Đồng thời, Việt Nam đang thu hút các chuỗi khách sạn hạng sang, từ đó tạo thêm dư địa cho tiềm năng phục hồi và phát triển của ngành du lịch nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.

Huyền My (T/h)