Kinh doanh có trách nhiệm để đạt mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững

03/11/2023 15:53

Đó là nhấn mạnh của ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông (RED) tại hội thảo xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy "Thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Kinh nghiệm ở Liên minh châu Âu (EU), Thái Lan", ngày 3/11.

Theo ông Trần Nhật Minh thực hành kinh doanh có trách nhiệm (Responsible business practice - RBP) là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Liên Hợp Quốc đã công bố Các nguyên tắc hướng dẫn về kinh doanh và quyền con người (UNGPs), nhằm thúc đẩy nội dung này trên quy mô toàn cầu, hướng tới hỗ trợ các quốc gia cụ thể hóa thành chương trình hành động của từng quốc gia.

Kinh doanh có trách nhiệm để đạt mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Ông Trần Nhật Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông (RED)

Tính đến tháng 10/2019 đã có 25 quốc gia đã đưa các vấn đề RBP vào một phần các chương trình nghị sự quốc gia. Trong đó, 23/25 quốc gia đã xác lập chương trình hành động quốc gia với những mục tiêu cụ thể phù hợp với bối cảnh quốc gia. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trong khu vực ban hành chương trình hành động quốc gia vào năm 2019.

Tại Việt Nam, Bộ Tư pháp chủ trì đã ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027 (Quyết định 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2023).

Kinh doanh có trách nhiệm để đạt mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững - Ảnh 2.

Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn

Bà Brenda Candries - đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, EU đang đề xuất một luật mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDD). Chỉ thị đặt ra nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, chấm dứt, giảm thiểu và giải quyết các tác động tiêu cực đến quyền con người và môi trường trong hoạt động của chính doanh nghiệp, các công ty trực thuộc và chuỗi giá trị của doanh nghiệp trong và ngoài châu Âu.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ không thuộc phạm vi điều chỉnh trực tiếp của dự thảo đề xuất này. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng bởi họ là một phần trong chuỗi giá trị của những doanh nghiệp lớn hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam không hoạt động tại châu Âu vẫn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng nếu họ nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp EU", bà Brenda Candries lưu ý.

Kinh doanh có trách nhiệm để đạt mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững - Ảnh 3.

Bà Brenda Candries cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam không hoạt động tại châu Âu vẫn có thể gián tiếp bị ảnh hưởng bởi CSDD

Theo bà Brenda Candries, liên quan đến hợp tác giữa EU với Việt Nam, chuyển đổi xanh và thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nội dung được phản ánh ở 2 trong số 3 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình viện trợ đa niên (MIP) giai đoạn 2021 – 2027 nhằm hỗ trợ: Nền kinh tế tuần hoàn kỹ thuật số thích ứng với khí hậu và Tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm thoả đáng.

"Chúng tôi cũng đã thông qua "Chương trình Đối tác Xanh VN-EU do Phụ nữ lãnh đạo" vào đầu năm nay. Chương trình này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cuộc đối thoại giữa chính phủ Việt Nam, nhóm Châu Âu và các tổ chức, cũng như hỗ trợ các sáng kiến do phụ nữ đứng đầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi sau thảm họa và chuỗi giá trị tuần hoàn và kỹ thuật số. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đến những khách hàng cuối cùng ở châu Âu chỉ có thể được hưởng lợi từ chuyên môn của các tổ chức có kinh nghiệm giải quyết các vấn đề này, chẳng hạn như các vấn đề về môi trường", bà Brenda Candries nói.

Tại hội thảo, đánh giá về thách thức của doanh nghiệp khi thi hành Quyết định 843/QĐ-TTg, ông Vũ Tuấn Anh – Công ty Luật ASL LAW nhận định, mức độ nhận thức về RBP của các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn thấp.

"Có khoảng 56% doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về khái niệm này, trong khi 35,7% doanh nghiệp coi RBP đơn thuần là tuân thủ các quy định pháp luật. 6,8% doanh nghiệp đang đánh đồng RBP với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp", ông Tuấn Anh nói.

Kinh doanh có trách nhiệm để đạt mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững - Ảnh 4.

Ông Tuấn Anh cho rằng, doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều khó khăn trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Cũng theo ông Tuấn Anh, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thể hiện mức độ nhận thức cao nhất (81%) và doanh nghiệp tư nhân có mức độ nhận thức thấp nhất (47%). Về mức độ thực hiện RBP của doanh nghiệp tại Việt Nam, 62% doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy định; 27% doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng theo yêu cầu. Các lĩnh vực, khía cạnh được chú trọng thực hiện RBP của doanh nghiệp tại Việt Nam đa phần liên quan đến lao động và môi trường.

Để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lao động trên quan điểm cân bằng lợi ích người lao động và người sử dụng lao động, ông Tuấn Anh đề xuất cần xây dựng đội ngũ doanh nhân mang tư tưởng phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội ngành nghề.

Mai Phương