Người không có tiền sử bệnh lý mắc COVID-19 có nguy cơ biến chứng tim mạch

01/04/2020 23:47

Nếu COVID-19 làm tăng nguy cơ tử vong ở những người có bệnh lý nền thì ngay cả với người khỏe mạnh lần đầu mắc, virus cũng có thể gây biến chứng tim mạch nặng nề.

Một nghiên cứu khoa học mới đây về virus corona chủng mới SARS-CoV-2 đăng trên tạp chí JAMA Cardiology khẳng định loại virus này có thể gây ra các vấn đề về tim mạch. 
 
Các nhà khoa học này cho rằng, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể gây ra các vấn đề mới ở tim hoặc làm bệnh tim tiềm ẩn nặng lên. Người có tiền sử liên quan đến viêm tim khi mắc COVID-19 có tỷ lệ cao bị tổn thương tim.

Các bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy xâm lấn tại Trung Quốc

 

Tác giả chính của bài báo, BS Mohammad Madjid, giảng viên Trường Y McGovern tại UTHealth ở Houston nhận định, virus corona có khả năng ảnh hưởng tới cơ tim ngay cả khi không có bệnh tim trước đó.

"Nhìn chung, tổn thương thương cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân có hoặc không có bệnh tim, nhưng nguy cơ cao hơn ở những người đã có bệnh tim", BS Mohammad Madjid cho biết.
 
Tuy nhiên, nhóm tác giả này cho rằng, "mức độ nặng, phạm vi và ảnh hưởng tim mạch ngắn hạn và dài hạn của COVID-19, cùng với tác động của các phương pháp điều trị cụ thể vẫn chưa được biết rõ và cần được nghiên cứu và điều tra tỉ mỉ". Điều này có nghĩa họ cần thêm nhiều khảo sát để xác định mức độ gây tổn thương tim ở bệnh nhân COVID-19. Những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ không cần nhập viện ít gặp phải các vấn đề về tim hơn.
 
Các tác giả cho rằng, khá hợp lý khi dự đoán rằng các trường hợp bệnh nghiêm trọng và nguy kịch bị ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống tim mạch do phản ứng viêm mạnh hơn.

 

Ba chủng virus corona từng được phát hiện gồm: SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV-2 cùng virus cúm đều có khả năng gây ra các vấn đề về tim bao gồm: Hội chứng mạch vành cấp (lưu lượng máu đến tim đột ngột ngừng lại giống như cơn đau tim), các vấn đề về nhịp tim và suy tim.

Các tác giả lý giải điều này có thể do sự kết hợp của tình trạng viêm trong toàn bộ cơ thể cũng như trong hệ thống mạch máu.
 
"Quan trọng là, trong hầu hết các dịch cúm, nhiều bệnh nhân chết vì các nguyên nhân tim mạch hơn là do viêm phổi-cúm", các tác giả viết.
 
Các tác giả thừa nhận nghiên cứu này bị hạn chế do nó dựa trên dữ liệu có sẵn ở giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, và nhiều trường hợp nhẹ và không có triệu chứng có thể bị bỏ sót trong hầu hết các báo cáo ", càng cho thấy những lỗ hổng trong hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này.
 
Cũng theo BS Mohammad Madjid, dù COVID-19 ảnh hưởng đến phổi và có thể gây ra các biến chứng, nhưng nghiên cứu này cho thấy hệ tim mạch cũng bị ảnh hưởng và điều này có thể dẫn đến những nguy hiểm và tiên lượng xấu cho người bệnh.
 
Nghiên cứu sẽ giúp các bác sĩ xác định bệnh nhân nào có nguy cơ biến chứng và tìm ra cách điều trị mới cho họ.
 
Ông khuyên những người có vấn đề về tim nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và đảm bảo Sức Khỏe trong mùa dịch.
 
Theo các nhà nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), một báo cáo tổng hợp từ 7.162 bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ tính đến ngày 29/3 cho thấy 37,6% bệnh nhân có từ một bệnh nền trở lên. Trong số này người có các bệnh lý về tim mạch chiếm 29%
 
Dù biết SARS-CoV-2 có thể khiến các bệnh mạn tính sẵn có trong cơ thể trầm trọng hơn, làm tăng nguy cơ tử vong nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng người không có tiền sử bệnh lý không gặp nguy hiểm. Bởi tại Mỹ có 22% trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng điều trị ở phòng chăm sóc tích cực không có bệnh nền hoặc tiền sử bệnh lý.

Theo Hà Ly

"https://baosuckhoecongdong.vn/nguoi-khong-co-tien-su-benh-ly-mac-covid-19-co-nguy-co-bien-chung-tim-mach--160872.html"