Ninh Bình: Đất của người dân đang ở lâu dài bỗng dưng bị phá dỡ

10/06/2022 10:57

Vừa qua, Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật nhận được đơn kiến nghị của các ông/bà Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Thị Hậu, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Thế Dũng và Vũ Quang Huy ở nhà số 85; 85B; 87; 87B; 89 và 91 đường Nguyễn Huệ, phố Ngô Quyền, phường Nam Bình, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình phản ánh khiếu nại về việc đền bù thu hồi đất.

Các hộ gia đình này con cháu thừa kế hợp pháp khu đất ở từ năm 1962 của ông Nguyễn Văn Nhân và bà Hà Thị Vượng (đều đã mất).

Trong đơn thư gửi tới các cơ quan báo chí, nhiều hộ dân cho biết: Vào sáng ngày 28/2/2022 có một máy xúc và nhiều ô tô đến phá dỡ, đào múc phần đất đang sử dụng của các hộ dân trên đây để thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Huệ (đoạn QL1A cũ). Trong khi đó các gia đình không nhận được bất cứ quyết định hay văn bản pháp lý nào của cấp thẩm quyền hoặc được mời họp, hoặc thông báo chính quyền sở tại về việc thi công công trình hay cưỡng chế phá dỡ phần đất gia đình đang sử dụng, gây thiệt hại tài sản cho người dân

Phần diện tích đất bị phá dỡ ngay sát QL1A (cũ)

Ngày 14/5/2022, các gia đình nhận được Thông báo số 18/TB-UBND ngày 13/5/2022 của UBND phường Nam Bình, TP Ninh Bình nêu kết luận UBND phường rằng yêu cầu tính bồi thường, hỗ trợ đất đối với phần diện tích mở rộng đường Nguyễn Huệ (đoạn QL1A cũ) không có cơ sở giải quyết. Vì vậy, các hộ dân tiếp tục khiếu nại lên UBND TP Ninh Bình. 

Về nguồn gốc hình thành mảnh đất, đơn phản ánh đất của ông Nguyễn Văn Nhân và bà Hà Thị Vượng được hình thành từ năm 1962, gồm: Đất được UBHC xã Ninh Phong  tạm cấp năm 1962 (có ký và đống dấu) do gia đình phải di chuyển để làm Đập Âu thuyền sông Vân cho nhà nước. Đất được mua lại của ông Đàm Văn Na. Ông Na là chủ sở hữu hợp pháp 8 thước ao (hơn 190m2) giáp QL1A, theo Giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất số 637, địa bạ số 664 do Chủ tịch UBHC tỉnh Ninh Bình - Nguyễn Văn Hương ký ngày 2/7/1956, xác nhận quyền sở hữu cho ông Đàm Văn Na. Ao tiếp giáp với mảnh đất được cấp cho gia đình ông Nhân. Năm 1962, bà Hà Thị Vượng đã mua thửa ao này, hai bên làm Giấy viết tay mua bán, xác định vị trí ao giáp QL1A (ngày xưa gọi là đường cái) và giáp với gia đình ông bà Vượng.

Ngày 5/10/1981, gia đình đã làm “Đơn xin chuyển quyền sử dụng đất” gộp cả hai thửa đất và ao, trong Đơn có mô tả tứ cận: Phía giáp nhà ông Bất (nay là nhà số 93 Nguyễn Huệ do con trai ông thừa kế): 37m; giáp đường 1A (đường cái): 31m; giáp bãi Lâm sản 31m; giáp ao của Hợp tác xã Ninh Phong: 30m. Ngày 21/10/1981, Chủ tịch UBND xã Ninh Phong là ông Nguyễn Giang San đã ký và đóng dấu, nguyên văn nội dung xác nhận của UBND xã Ninh Phong như sau:

“Xét hoàn cảnh gia đình bà Hà Thị Vượng và các con trong gia đình đều là cán bộ công nhân thoát ly. Hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa có nơi ăn chỗ ở ổn định. Qua xem xét sơ đồ mặt bằng đất đai thuộc địa phương quản lý. Khu đất gia đình xin được sử dụng làm nhà ở là thuộc khu vực đất công thổ không thuộc diện đất canh tác. Nằm ngay cạnh QL1A (đoạn đường cầu Lim Ninh Bình đi Thanh Hóa). Nằm ngay cạnh Bãi Lâm Sản xóm Bắc, xã Ninh Phong. Qua tìm hiểu hoàn cảnh thực tế của gia đình bà Vượng, như đơn của hộ gia đình nêu là chính đáng. UBND xã Ninh Phong đồng ý cho phép hộ gia đình bà Vượng được quyền sử dụng khu đất nêu trên làm nhà ở. Trong quá trình sử dụng đất ở gia đình phải tôn trọng những điều ghi trong đơn. Không được đào phá làm ảnh hưởng mặt bằng đất đai. Không được làm cản trở giao thông và ảnh hướng đất trật tự an ninh xã hội. Giao Ban Quản lý ruộng đất xã ghi vào danh bạ sơ đồ đất đai của xã để hộ gia đình bà Vượng tiện sử dụng và quản lý đất ở.”

trao-doi-1654833354.jpg
Đại diện các hộ dân đang trao đổi sự việc với phóng viên

Diện tích đất với tứ cận kể trên không tranh chấp trong suốt 60 năm qua, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Đến nay xuất hiện hai thửa đất do UBND phường Quang Trung chủ sử dụng chồng lấn vào khu đất của gia đình, dẫn đến việc thi công giải phóng mặt bằng đào xúc, phá dỡ phần đất gia đình trong khi chưa nhận được các quyết định thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng là không đúng quy định của Luật Đất đai 2013. Gia đình đã làm đơn khiếu nại về việc phá dỡ tài sản khi chưa có sự đồng ý của gia đình, vì qua thực tế gia đình đang ở và sử dụng đất hợp pháp hơn 60 năm và hồ sơ pháp lý đầy đủ, đơn vị thi công giải phóng mặt bằng đào xúc, phá dỡ phần đất gia đình trong khi chưa nhận được các quyết định của UBND TP Ninh Bình là không đúng với quy định của luật đất đai 2013 và hiện nay đã gây thiệt hại cho tài sản của gia đình. Do đó, đề nghị UBND phường Nam Bình, UBND TP Ninh Bình xem xét lại trình tự, thủ tục thực hiện giải phóng mặt bằng và thi công trên phần đất của gia đình để đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý theo quy định của Luật Đất đai. Cũng theo gia đình cho biết mặc dù đã gửi đơn khiếu nại lên UBND TP Ninh Bình từ rất lâu nhưng đến nay, UBND TP Ninh Bình vẫn chưa có các quyết định thu hồi đất và trả lời nội dung đơn chính thức cho gia đình, được biết quy định của luật đất đai thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại lần đầu của gia đình là UBND TP Ninh Bình do đó gia đình rất mong sớm có văn bản trả lời từ phía chính quyền thành phố.

Về việc xuất hiện 194 m2 đất thùng đào và 400 m2 đất công cộng tại tờ bản đồ số 1 thửa 135 và thông báo số 18/TB-UBND do UBND phường Quang Trung đưa chồng lấn vào khu đất đang sử dụng hợp pháp của gia đình. Gia đình mong muốn đề nghị cần được làm rõ căn cứ và tính pháp lý của hai diện tích đất này từ UBND phường Quang Trung (nay là UBND phường Nam Bình).

Để làm rõ tính khách quan theo nội dung đơn thư phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND phường Nam Bình và UBND TP Ninh Bình và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đại Vụ Nam