Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng và có tới 2/3 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.
Tổng số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại đã vọt tăng 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2023. Tỷ lệ nợ xấu trung bình toàn hệ thống ngân hàng thương mại là 2,18%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của NCB đạt 5,5%, tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này tăng tới 11,6%, lên tới 15.253 tỷ đồng. Do nhóm nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm mạnh tới 50%, tương đương giảm 1.263 tỷ đồng, nên NCB đã thu hẹp tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, dù không nhiều từ 29,8% xuống còn 29%.
Vị trí thứ hai thuộc về Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (Pvcombank) với tỷ lệ nợ xấu suýt soát 4%, trong đó, nợ xấu tăng mạnh ở nhóm nghi ngờ (+15,8%) và có khả năng mất vốn (+17,4%).
Tiếp sau là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – mã chứng khoán: ABB), với tỷ lệ nợ xấu lên tới 3,92%, trong khi tăng trưởng tín dụng âm tới 19,34%.
Một loạt các ngân hàng thương mại khác có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ chạm ngưỡng hoặc vượt 3% còn có Ngân hàng TMCP Quốc tế - VIB (3,6%), Ngân hàng TMCP Bản Việt – BVB (3,9%), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín - BVBank (3,1%); SHB (3%), Vietbank (3,1%)…
Xét về con số, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – Mã chứng khoán MBB) là nhà băng tăng nợ xấu nhiều nhất, tăng thêm 5.500 tỷ đồng nợ xấu chỉ trong vòng 3 tháng, tương đương tăng thêm 0,94 điểm phần trăm. Nợ xấu của MBB tính đến ngày 31/3/2024 là 13.621 tỷ đồng, chiếm 2,34% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 110%, từ 2.851 tỷ đồng hồi cuối năm 2023 lên 5.996 tỷ đồng ngày 31/3/2024.
Chỉ có khoảng 3 ngân hàng ghi nhận giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng không đáng kể, gần như đi ngang, cụ thể là: Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán: NVB) giảm 0,8 điểm phần trăm; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) giảm 0,11 điểm phần trăm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) giảm 0,02 điểm phần trăm. Tuy nhiên, những nhà băng này lại thuộc top đầu về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao nhất hệ thống, lần lượt là 29 %; 3,31% và 3%.
Theo Chứng khoán BSC, xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản trong quý IV/2023 chỉ mang tính thời vụ. Điều này được xác nhận bởi tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý tăng lên mức 0,5% dù đã giảm liên tiếp ba quý trước đó.
Đồng thời, BSC cũng nhận thấy tác động của tỷ lệ liên đới CIC trong ngành vẫn gia tăng, ảnh hưởng lớn nhất đến phân khúc bán lẻ và khách hàng lớn, khiến tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như HDBank, MSB, MB và VIB đi lên trong quý đầu năm.
BSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện rõ hơn về nửa sau với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập) để xử lý nợ. Qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định trong 2024 so với 2023, nhất là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.