Việt Nam thuộc top 5 nước đạt ngưỡng giảm phát thải carbon

22/01/2024 09:06

Việt Nam là 1 trong 5 nước đạt được ngưỡng giảm phát thải carbon đề ra trong mục tiêu Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), trong khi hầu hết các nền kinh tế khác đều phải đối mặt với khoảng cách lớn giữa tham vọng và hiệu suất thực tế.

Nghiên cứu Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 của PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương chịu trách nhiệm cho 48% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022. Mặc dù tốc độ giảm phát thải carbon của khu vực này vào năm 2022 ở mức 2,8% - cao hơn so với tỉ lệ toàn cầu là 2,5%, nhưng khu vực này vẫn cần tăng tốc độ giảm phát thải nhanh hơn gấp 6 lần để đạt tỉ lệ 17,2% nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.

Nghiên cứu Chỉ số Kinh tế Net Zero của PwC theo dõi quá trình giảm phát thải các-bon liên quan đến khí thải CO2 trên toàn thế giới bằng cách đo lường mức tiêu thụ năng lượng theo GDP và hàm lượng carbon của năng lượng đó. Chỉ số năm 2023 cho thấy không có nền kinh tế nào ở Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022 có tốc độ giảm phát thải các-bon tiệm cận tới mức cần thiết để đạt được mục tiêu 1,5°C.

Tuy nhiên, chỉ có 5 nền kinh tế - New Zealand, Pakistan, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam - vượt qua ngưỡng giảm phát thải carbon được đề ra trong mục tiêu NDC của từng quốc gia.

Việt Nam thuộc top 5 nước đạt ngưỡng giảm phát thải carbon- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Điểm chung giữa các nền kinh tế này là họ đều nằm trong nhóm những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng và hầu hết đều có mức giảm về hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch. Pakistan là ngoại lệ khi giảm phát thải 15% do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ toàn cầu năm 2022, theo sau đó là các nền kinh tế như Singapore (10,8%), New Zealand (8,5%), Việt Nam (6,5%) và Hàn Quốc (4,4%).

Tuy nhiên, cường độ phát thải carbon của nhóm này nhìn chung thấp hơn mức trung bình của các nước G7, nghĩa là việc giảm hệ số phát thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch có thể làm giảm cường độ phát thải carbon đáng kể.

Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế có sự chuyển biến chậm, hoặc theo hướng tiêu cực trong quá trình giảm cường độ phát thải carbon và vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Nghiên cứu cũng nhận định, sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp không hề dễ dàng. Do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã làm thay đổi các ưu tiên chính trị - xã hội, gây áp lực lên công chúng và các chính phủ trong việc quay trở lại sử dụng các dạng năng lượng rẻ hơn, phát thải nhiều hơn như than.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đáng kể của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương làm tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là dầu khí, để duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo đang bị thiếu hụt, cản trở quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Mặc dù các nội dung NDC dường như đã phù hợp với tham vọng Net Zero của Việt Nam vào năm 2050, vẫn cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để tăng tốc đến một tương lai đạt phát thải ròng bằng không.

Sự thay đổi này đòi hỏi có sự hợp tác hành động từ cả chính phủ, thông qua các chính sách mạnh mẽ và hướng dẫn chi tiết, bao gồm thúc đẩy hợp tác toàn cầu và các doanh nghiệp, thông qua các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư xanh.

Huyền My (t/h)