Ngành hàng không đối phó “khủng hoảng” thiếu máy bay

16/04/2024 09:04

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài, nhu cầu đi lại tăng cao, trước tình hình đó, nhiều giải pháp đang được cơ quan quản lý, các hãng hàng không thực hiện để ứng phó với tình trạng thiếu tàu bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Việc nhà sản xuất triệu hồi một số tàu bay A321NEO do Vietnam Airlines, VietJet Air khai thác và Bamboo Airways dừng khai thác 3 máy bay Embraer E190, khiến hiện tượng thiếu hụt đội máy bay đang diễn ra khá trầm trọng.

Để đảm bảo đi lại cho người dân trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt.

Ngành hàng không đối phó “khủng hoảng” thiếu máy bay- Ảnh 1.

Cơ quan quản lý, các hãng hàng không đều đã đưa ra các giải pháp để kịp thời ứng phó trước nhu cầu đi lại tăng cao dịp lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: Internet

Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, ngoài việc bị triệu hồi một số tàu bay thì hiện nay nhiều tàu bay phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp cao điểm Tết vừa qua và số lượng động cơ phải tháo ra bảo dưỡng rất nhiều. Tuy nhiên, thực hiện cam kết với cơ quan quản lý trong việc đáp ứng việc đi lại của người dân trong thời gian cao điểm, ngay tháng 5 tới đây, hãng sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30 loại Boeing 787 - 10.

Hiệp hội các hãng Hàng không châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Thời gian cần thiết cho việc kiểm tra và sửa chữa động cơ rất dài, trung bình khoảng 300 ngày. Các hãng hàng không đang tìm kiếm các phương án thuê máy bay nhưng các tổ chức cho thuê cũng đang gặp khó khăn trong việc cung cấp máy bay và linh kiện kịp thời".

Tính đến nay, có 22 tàu bay của các hãng đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa. Đề cập đến giải pháp khắc phục khó khăn hiện nay, Cục Hàng không Việ Nam cho biết, trong khoảng tháng 5 đến tháng 9, hai hãng hàng không là Việt Nam Airlines và Vietjet cũng sẽ tăng số lượng tàu bay. Tuy nhiên số lượng tàu vẫn đang thiếu. Do đó, một số giải pháp sẽ được tính toán thêm như: Tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin: Với số lượng máy bay như vậy sẽ tăng giờ bay lên. Thời gian tới đây, các sân bay nào bay được chúng tôi đều tổ chức bay đêm.

Cục Hàng không đã chỉ đạo tăng tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (Slot) tại sân bay Nội Bài từ 37 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày và 30 chuyến giờ/vào khung giờ ban đêm lên tương ứng là 42 chuyến/giờ và 32 chuyến/giờ; tại sân bay Tân Sơn Nhất từ 42 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày và 32 chuyến giờ/vào khung giờ ban đêm lên tương ứng là 44 chuyến/giờ và 36 chuyến/giờ. Trong các ngày 26-4, 27-4, 30-4 và 1-5, tăng tham số điều phối tại Tân Sơn Nhất lên 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày.

Ngoài ra, Cục đã hỗ trợ các hãng hàng không điều chỉnh slot tại các sân bay, giúp các hãng hàng không Việt Nam tối ưu hóa lịch khai thác, tăng giờ khai thác đội máy bay, đồng thời giảm thời gian quay đầu tàu bay phù hợp với điều kiện khai thác của từng cảng hàng không, sân bay.

Về phía các hãng hàng không Việt Nam tìm kiếm, bổ sung máy bay bằng việc thuê ướt các máy bay (thuê máy bay có đội bay) trong giai đoạn ngắn hạn; kéo dài thời gian khai thác đội máy bay, đặc biệt là tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và ban đêm.

Tính đến thời điểm hiện tại, các đường bay du lịch như giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo…là những đường bay nội địa được tăng tải nhiều nhất.

Trong giai đoạn ngành hàng không bị ảnh hưởng bởi sự biến động đội tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không công bố hàng ngày trên trang thông tin điện tử của hãng danh sách các chuyến bay thay đổi giờ khai thác để hành khách có thông tin bố trí hành trình đi lại cho phù hợp.

Thương Huyền (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Ngành hàng không đối phó “khủng hoảng” thiếu máy bay" tại chuyên mục TIN TỨC.