Nghịch lý tăng trưởng xây dựng cao nhưng kinh doanh u ám

15/04/2024 09:07

Mặc dù tăng trưởng công nghiệp xây dựng cao nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn kêu khó, tình hình kinh doanh u ám do nợ đọng lớn.

Theo Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam (VACC), hiện cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp xây dựng, trong đó khoảng 93% là doanh nghiệp nhỏ có vốn đăng ký dưới 100 tỷ đồng. 

Nghịch lý tăng trưởng xây dựng cao nhưng kinh doanh u ám- Ảnh 1.

Doanh nghiệp xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn

Quý I/2024, công nghiệp xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào nền kinh tế.

Công nghiệp xây dựng tăng do đầu tư công năm 2024 vào khu vực này tăng. Song cơ hội chỉ mở rộng cho các doanh nghiệp xây dựng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên về phát triển hạ tầng kinh tế hoặc xây dựng các dự án đường cao tốc.

Còn các doanh nghiệp xây dựng nhỏ hơn, trong đó có lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật xây dựng dự án đầu tư giảm sút, dự án bất động sản mới không có nhiều. Nhiều công ty làm hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc không có việc làm.

Đặc biệt là tình trạng nợ đọng mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải. Đó là việc mất cân bằng giữa nợ thu và nợ trả của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Tình trạng này thường xảy ra khi các doanh nghiệp đầu tư tiền vào mua vật liệu xây dựng trước, nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền khi dự án đã hoàn thành.

Tại "Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, nhiều doanh nghiệp bỏ tiền ra nhưng không thu về được, ông Hiệp cho biết. Theo đó, Chủ tịch VACC kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ nhà thầu.

Để giải quyết vấn đề nợ đọng trong ngành xây dựng, ông Hiệp đề xuất cần thiết lập một cơ chế chặt chẽ giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ông cho rằng cơ chế đơn giá định mức Nhà nước hiện nay đã lạc hậu và gây ra những bất cập, tạo nên tình trạng thị trường hai giá. Do đó, việc hình thành đơn giá tổng hợp, tương tự như các nước tiên tiến, nhằm giải quyết những hạn chế trên là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, ông Hiệp cũng đưa ra nhận xét trong những năm gần đây, hầu hết các ngành hàng đều có chuyển biến tích cực, chỉ có riêng đầu tư bất động sản là đi xuống.

Lấy ví dụ về vấn đề định giá đất đai, theo ông hiện đang chưa có một quy định rõ ràng mà chỉ theo quy luật giá sau tăng hơn giá trước, từ đó khiến không thể kiểm soát thị trường, gây ra tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư. Với vấn đề này, ông Hiệp kiến nghị cần thiết lập một hành lang pháp lý chặt chẽ, tăng cường đầu tư từ tư nhân và mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc đóng góp ý kiến vào Luật đất đai.

Về triển vọng kinh tế 2024, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. “Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen”, ông Phòng nhấn mạnh.

Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

An Mai (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Nghịch lý tăng trưởng xây dựng cao nhưng kinh doanh u ám" tại chuyên mục KINH TẾ.