Dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán sẽ yếu đi trong năm 2022, thị trường khó tăng "nóng" và cổ phiếu phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng

24/01/2022 09:46

VFS cho rằng nhiều nhóm cổ phiếu ngành như dịch vụ tài chính, hóa chất, bán lẻ, tài nguyên cơ bản cũng đều ghi nhận mức tăng bằng lần; tuy nhiên vẫn còn những nhóm ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng như thực phẩm và đồ uống, điện – nước – xăng dầu khí đốt, ngân hàng, bất động sản.

chay-1642992306.jpg

Trong báo cáo triển vọng thị trường mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đánh giá việc hoàn thành phổ cập tiêm chủng vaccine tiến dần đến miễn dịch cộng đồng trong năm 2022 sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì trạng thái bình thường mới là tiền đề cho các hoạt động tiêu dùng và sản xuất hồi phục. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trở lại tiệm cận dần với thời kỳ trước khi xẩy ra dịch.

VFS dự phóng tăng trưởng GDP sẽ đạt 6%- 6,5% trong 2022 trên nền so sánh thấp của năm 2021 dựa trên các động lực như tỷ lệ tiêm vắc xin đạt trên 70%; dòng vốn FDI; chính sách tài khóa mở rộng và mặt bằng lãi suất thấp hay xuất khẩu tăng trưởng... Sản xuất công nghiệp được kỳ vọng hồi phục mạnh trong điều kiện bình thường mới. Riêng trong tháng 10 và tháng 11/2021, chỉ số PMI đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm sau 4 tháng giảm liên tiếp nhờ các công ty đã hoạt động trở lại và tăng sản lượng sản xuất.

Về xuất khẩu, báo cáo cho rằng cán cân thương mại sẽ tiếp tục đạt thặng dư nhờ các động lực tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, gồm việc các doanh nghiệp khôi phục hoạt động, nhà máy mở cửa trở lại và công suất hoạt động dần trở lại trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, nhu cầu mạnh mẽ trong mùa tiêu dùng cuối năm tại các thị trường phát triển trong khi các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực (CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP…) giúp Việt Nam có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh với các nước không tham gia hiệp định.

Dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán sẽ yếu đi trong năm 2022, thị trường khó tăng nóng và cổ phiếu phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng - Ảnh 1.

Đồng thời, VFS đánh giá dòng vốn FDI vẫn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022; yếu tố khác là lạm phát được cho sẽ gia tăng từ mức nền thấp của năm 2021 tuy nhiên vẫn sẽ duy trì dưới ngưỡng mục tiêu 4%. Báo cáo dự phóng chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 sẽ tăng 3-3,2% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng dần, VFS cho rằng mặt bằng lãi suất trong năm 2022 nhìn chung sẽ khó có thể giảm sâu thêm khi hiện đã ở vùng thấp nhất trong vòng 14 năm gần đây. Tuy vây, dự báo dư nợ tín dụng vẫn có khả năng tăng trưởng với mức xấp xỉ 14%.

VN-Index tiến tới vùng 1.600 điểm, cả dòng tiền nội và ngoại sẽ yếu đi so với giai đoạn 2 năm qua

Tổng hòa các yếu tố trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trở nên hấp dẫn hơn nhờ tốc độ tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong khi P/E lại mức trung bình thấp; ROE ở mức cao trong khi P/B lại ở mức trung bình thấp. Do đó, VFS đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được định giá ở mức hợp lý và sẽ được chiết khấu về mức giá hấp dẫn hơn nữa

Dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán sẽ yếu đi trong năm 2022, thị trường khó tăng nóng và cổ phiếu phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng - Ảnh 2.

Trong kịch bản cẩn trọng, VFS kỳ vọng LNST của VN-Index sẽ tăng 20% so với cùng kỳ nhờ vào triển vọng kinh tế lạc quan, đạt mức 504 nghìn tỷ đồng, tương ứng P/E của thị trường sẽ được chiết khấu về ngưỡng 14,8 lần. Hiện nay, P/E đang ở mức 17 lần và dự báo VN-Index trong năm 2022 sẽ có thể ở loanh quanh vùng 1.600 điểm. 

VFS nhận định rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn dòng tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư, tuy nhiên dòng tiền sẽ khó có thể vào mạnh như giai đoạn 2020 – 2021 trong bối cảnh dòng tiền nội và ngoại sẽ không tăng mạnh khi việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán trở nên khó khăn hơn trong năm 2022 do mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức khá cao và sẽ phân hóa mạnh theo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp; đồng thời xu hướng bán ròng của khối ngoại cũng sẽ khó thay đổi trong năm 2022.

Như vậy, dòng tiền yếu đi sẽ khó khiến thị trường tăng nóng, đà tăng điểm sẽ chậm hơn cùng với đó xuất hiện các phiên điều chỉnh xen kẽ. Ngoài ra, các cổ phiếu cũng khó tăng điểm đồng loạt mà sẽ diễn biến giống với năm 2021 là phân hóa theo chủ đề và câu chuyện nhưng với một mức độ phân hóa mạnh hơn.

Dựa trên PE dự phóng 2022, VFS đánh giá các ngành lớn như ngân hàng, BĐS, bảo hiểm và tài nguyên cơ bản đều đang có mức định giá thấp hơn hẳn so với trung bình 5 năm gần nhất. Ngoài ra, các nhóm ngành như Điện - nước - xăng dầu khí đốt, Y tế, Hàng & Dịch vụ công nghiệp cũng có mức PE dự phóng 2022 tương đối hấp dẫn khi có giá trị tương đương với mức trung bình 05 năm gần nhất.

Xét về mức độ biến động giá trong giai đoạn 04/2020 – 01/2022 khi VN-Index đã tăng trưởng mạnh lên tới hơn 200%, VFS cho rằng nhiều nhóm ngành như dịch vụ tài chính, hóa chất, bán lẻ, tài nguyên cơ bản cũng đều ghi nhận mức tăng bằng lần. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra vẫn còn nhiều nhóm ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng như thực phẩm và đồ uống, điện – nước – xăng dầu khí đốt, ngân hàng, bất động sản.

Dòng tiền chảy vào kênh chứng khoán sẽ yếu đi trong năm 2022, thị trường khó tăng nóng và cổ phiếu phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng - Ảnh 3.

Phương Linh