Gia tăng trẻ bị trầm cảm: 5 dấu hiệu báo động đỏ phụ huynh cần biết

04/04/2022 10:34

Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tỷ lệ trầm cảm luôn tỷ lệ thuận với xã hội hiện đại và điều đáng báo động là tỷ lệ này ở trẻ em ngày càng tăng lên.

Gia tăng trẻ bị trầm cảm: 5 dấu hiệu báo động đỏ phụ huynh cần biết

Nhiều trẻ trầm cảm nặng mới đi khám

Bác sĩ CKII Lâm Hiếu Minh - Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết: "Trầm cảm" luôn là một sát nhân vô hình và cực nguy hiểm ở mọi độ tuổi, nhất là độ tuổi thanh thiếu niên hiện nay. Vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Theo bác sĩ Minh, từ khi có dịch Covid-19, số học sinh đến khám về các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm tại BV Đại học Y Dược TP.HCM tăng lên 30%. Nhiều trẻ đến khám đã có các hành vi tự huỷ hoại bản thân mình.

Bác sĩ Minh cho biết khi trẻ đã có hành vi tự sát thì trẻ đã có trầm cảm kéo dài. Lúc này, tâm lý trẻ không thích ứng với sự kiện xảy ra và khi chỉ cần có 1 yếu tố tác động, thiếu hệ thống nâng đỡ (từ gia đình, nhà trường, xã hội, bạn bè) là trẻ có hành vi tự sát.

Biểu hiện sức khoẻ tâm thần ở thanh thiếu niên đó là trẻ mệt mỏi, thiếu tập trung, mất ngủ, dễ nhầm lẫn với suy nhược. Đa phần trẻ đến khám đều ở mức nghiêm trọng nên việc điều trị kéo dài, khó khăn hơn.

Gia tăng trẻ bị trầm cảm: 5 dấu hiệu báo động đỏ phụ huynh cần biết - Ảnh 1.

Trẻ vị thành niên dễ bị trầm cảm

Bác sĩ Minh cho rằng để ngăn ngừa vấn đề sức khoẻ tinh thần thì mỗi người phải có kỹ năng kiểm soát, cân bằng, quản lý cảm xúc. Kỹ năng này các bạn trẻ cũng phải học hỏi.

Sau đại dịch, tỷ lệ người bị các bệnh rối loạn tâm thần có thể sẽ tăng hơn nữa. Bác sĩ Minh cho rằng khi thấy các dấu hiệu bất thường như trên kéo dài 2 tuần thì người nhà nên đưa bệnh nhân tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến cố đáng tiếc.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tầm thần TP.HCM - cũng cho biết trầm cảm hiện đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, đây là căn bệnh gây nguy hiểm chỉ sau tim mạch, vượt qua cả ung thư, đái tháo đường. Sự nguy hiểm của bệnh là người bệnh có các hành vi tự sát, tự hành hạ bản thân.

Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng như khí sắc giảm, mất hứng thú và sở thích cá nhân, mất ngủ, mệt mỏi và mất năng lượng, bi quan và buồn chán, chán ăn, sụt cân, vận động và suy nghĩ chậm chạp, trí nhớ và sự chú ý kém, có ý định tự sát. 

Trẻ được xác định là trầm cảm có ít nhất 5 trong số các triệu chứng trên, các triệu chứng phải kéo dài ít nhất 2 tuần, ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng học tập và quan hệ xã hội của trẻ. Các triệu chứng này không phải là hậu quả của dùng ma túy hoặc chấn thương sọ não.

Theo bác sĩ Hiển, ý định toan tự sát là 1 trong 4 chỉ định cấp cứu của chuyên khoa tâm thần.

Có 5 câu hỏi theo trình tự để phát hiện và đánh giá mức độ mãnh liệt của ý tưởng này, qua đó có thể phòng ngừa 1 ý định chuyển thành hành vi tự sát.

1. Mặc cảm thất bại: bệnh nhân có nghĩ rằng mình là 1 kẻ thất bại, với trẻ đi học thì là 1 mặc cảm thua kém bạn bè.

2. Mặc cảm vô dụng: bệnh nhân cho rằng mình là 1 người vô dụng với gia đình, với trẻ đi học là mặc cảm kém cỏi.

3. Nghĩ mình là 1 gánh nặng, với trẻ đi học thì là 1 sự tủi hổ của cha mẹ về sự học kém của mình.

4. Thường suy nghĩ về cái chết và cách thức tự sát.

Nếu cả 4 câu trả lời đều là CÓ thì rất nguy hiểm. Lúc này, ý tưởng toan tự sát đã và đang hình thành ở các con.

5. Cho rằng nếu mình chết đi thì gia đình mình sẽ tốt hơn. Với trẻ đi học thì cho rằng khi mình chết đi thì cha mẹ không còn phải xấu hổ về mình nữa.

Nếu câu thứ 5 cũng được trả lời là CÓ thì là 1 báo động đỏ, nguy cơ tự sát đến rất gần. Cần được can thiệp y khoa KHẨN CẤP.

Các chuyên gia cho rằng việc giáo dục về các phát hiện ý định và hành vi tự sát ở trẻ em dưới mọi hình thức phải được coi trọng. Bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ cao nên được chuyển đến bệnh viện, điều trị nội trú bởi bác sĩ tâm thần nhi. Còn những bệnh nhân có các yếu tố bảo vệ và nguy cơ thấp (ví dụ, một gia đình gần gũi, ấm áp, hỗ trợ lẫn nhau...) có thể được điều trị ngoại trú.

Ngọc Anh