Ngành nông nghiệp chuyển sang thế chủ động, tấn công, đột phá

05/01/2024 09:23

Ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo, tấn công, đột phá để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức.

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Thủ tướng đánh giá, vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Ngành nông nghiệp chuyển sang thế chủ động, tấn công, đột phá - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao, 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).

Sản xuất lương thực, thực phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong "rổ" hàng hóa dịch vụ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Người dân và doanh nghiệp đã chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong sản xuất, chế biến.

Đến hiện tại, ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như gạo, rau củ quả, lập kỷ lục mới.

Trong năm 2024, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành, địa phương tiếp tục xây dựng nhiều chương trình, đề án như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức; mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số.

Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tập trung cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh đổi mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, coi đây là động lực mới trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trong tình hình, bối cảnh hiện nay, đây là đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, là ưu tiên trong đầu tư phát triển, trước mắt là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển thị trường carbon

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…

Ngành Nông nghiệp cần làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CPTPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Đặc biệt, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2024, ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.

An Mai (t/h)