Việt Nam cần một ứng dụng duy nhất được thế giới công nhận để quản lý “hộ chiếu vaccine”

21/09/2021 09:24

Theo Tiến sĩ Lê Đức Dũng, để thúc đẩy giao thương với thế giới, Việt Nam cần có một ứng dụng được thế giới công nhận và cũng công nhận ứng dụng của các nước khác. Do vậy Việt Nam chỉ cần một ứng dụng duy nhất cung cấp đầy đủ thông tin của người sử dụng, chỉ cần quét mã QR là có thể có hết thông tin về tình hình COVID-19 của người đó.

duong1-1632190923.jpg
Tiến sĩ Lê Đức Dũng

Việt Nam đang từng bước áp dụng giải pháp “hộ chiếu vaccine” hay “thẻ xanh vaccine” để thúc đẩy giao thương, dần cho mở cửa lại các dịch vụ. Tuy nhiên người dân Việt Nam đang rất lúng túng khi sử dụng các app công nghệ phòng dịch, khi ứng dụng để chứng nhận "thẻ xanh vaccine" hay bị lỗi. Tình trạng "loạn app" với 20 app nhưng không cái nào đạt được hiệu quả cao, chưa liên thông dữ liệu giữa các app khiến người dân bức xúc. Tiến sĩ Lê Đức Dũng, Chuyên gia miễn dịch học Bệnh viện Đại học Würzburg, bang Bayern, CHLB Đức chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống COVID-19 và quản lý “hộ chiếu vaccine” ở châu Âu.

Ông có thể chia sẻ việc áp dụng công nghệ trong phòng chống COVID-19, cũng như ứng dụng “hộ chiếu vaccine” ở châu Âu được thực hiện như thế nào?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Từ 1/7/2021 toàn Liên minh Châu Âu (EU) đã áp dụng “EU Digital COVID Certificate”. Mỗi nước thành viên EU phát triển một ứng dụng, trên ứng dụng đó chứa thông tin cho những ai "đã tiêm chủng, đã nhiễm và khỏi bệnh hoặc đã test". Ứng dụng này sẽ được các quốc gia khác trong EU chấp nhận, và mỗi nước chỉ có 1 ứng dụng duy nhất. Bên cạnh ứng dụng cho thiết bị di dộng thì người dân có thể dùng bản in trên giấy.

Ứng dụng này chứa mã QR để tránh giả mạo, thông tin được viết bằng ngôn ngữ của nước đó và thêm tiếng Anh. Để nhập thông tin vàoứng dụng thì người dân sẽ được nhận mã QR từ phòng khám, trung tâm tiêm chủng, trung tâm test hoặc các nhà thuốc được nhà nước uỷ quyền.

Để thúc đẩy giao thương với thế giới, Việt Nam cần có một ứng dụng được thế giới công nhận và cũng công nhận các ứng dụng của các nước khác.Do vậy Việt Nam chỉ cần một ứng dụng duy nhất cung cấp đầy đủ thông tin của người sử dụng, chỉ cần quét mã QR là có thể có hết thông tin về tình hình COVID-19 của người đó. Việc có quá nhiều ứng dụng sẽ gây khó khăn cho người dân, dữ liệu không được thống nhất và liên thông, khó quản lý và chắc chắn tính hiệu quả không cao, gây lãng phí.

duong2-1632190923.jpg
EU đã áp dụng thống nhất “EU Digital COVID Certificate” và liên thông với ứng dụng của các nước thành viên

TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội 4 tháng, Hà Nội cũng đã 2 tháng, đời sống người dân bị đảo lộn, nền kinh tế cũng suy yếu, không thể kéo dài giãn cách lâu hơn được. Theo ông, Việt Nam nên áp dụng chính sách “hộ chiếu vaccine” như thế nào để đảm bảo không bị lây lan dịch bệnh, có thể mở cửa lại nền kinh tế?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Như tôi đã nói trong bài phỏng vấn mới đây với Doanh nghiệp Việt Nam, việc thực hiện chính sách giãn cách triệt để và hà khắc trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân, đứt gãy các nguồn cung ứng và sản xuất gây suy yếu nền kinh tế. Như vậy một lúc chúng ta sẽ đối mặt với hai khó khăn là COVID-19 và kinh tế sụt giảm. Một khi nền kinh tế và tài chính địa phương, đất nước suy yếu thì khả năng chống dịch trong thời gian sau đó cũng sẽ giảm đi rất nhiều, lúc đấy tình hình có thể tồi tệ hơn nếu dịch bệnh ập đến. Rất khó để có được biện pháp có lợi cả hai đường là giảm được dịch bệnh và giữ kinh tế phát triển, cho nên các nước đều phải đưa ra các biện pháp dựa trên khả năng của mình, tính toán lợi ích sức khoẻ và kinh tế.

Ngay từ đầu đại dịch thì các nhà khoa học thế giới đã dự báo là đại dịch sẽ kéo dài ít nhất là 2-3 năm, do vậy các nước đều cần phải tính toán một chiến lược dài hơi, giảm áp lực cho hệ thống y tế, tuy nhiên cũng phải giữ được nền kinh tế cho cuộc chiến lâu dài. Do vậy Việt Nam cũng cần tính toán các biện pháp để hệ thống y tế không bị quá tải trong thời gian ngắn, nền kinh tế vẫn phải được duy trì để giữ nguồn lực tài chính cho việc phòng chống dịch trong thời gian tới.

Gần đây thông tin trên báo chí đã cho thấy Việt Nam đã thâm hụt ngân sách nghiêm trọng chỉ sau một thời gian ngắn lockdown tại các thành phố lớn. Nếu không có chính sách phù hợp để tiết kiệm và phát triển kinh tế thì Việt Nam rất dễ hụt hơi và không còn đủ nguồn lực tài chính để phòng chống dịch lâu dài,cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng phục hồi kinh tế sau dịch.

Với số lượng người nhiễm đã cao, Việt Nam phải chấp nhận sống chung với COVID-19, đẩy nhanh tiêm chủng. Thêm vào đó thay vì tập trung cho lockdown triệt để thì nên tập trung điều trị cho cho người nhiễm, nới lỏng cho những người đã tiêm chủng đầy đủ, người đã khỏi bệnh, những nơi ít bị nhiễm để họ tham gia vào các hoạt động sản xuất và kinh tế. Khi số lượng nhiễm tăng cao thì chỉ nên cắt giảm các hoạt động xã hội, văn hoá,còn các hoạt động sản xuất và kinh tế vẫn nên cần được duy trì.

Hiện Việt Nam vẫn chưa chính thức cho phép tiêm phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi, vì thế có nhiều ý kiến cho rằng khi chưa tiêm được cho trẻ em, thì chưa nên cho trẻ em đến trường học tập trung, nhất là tại các thành phố lớn, nơi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm mở cửa trường học ở Đức và quan điểm của ông đối với việc cho trẻ em đến lớp ở Việt Nam?

Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Năm ngoái và đầu năm nay khi số lượng người nhiễm trong 7 ngày trên 100.000 dân cao thì Đức vẫn đóng cửa trường học và học sinh học online, sau đó khi số lượng nhiễm giảm thì chỉ đến trường học một nửa lớp và nửa còn lại học ngày hôm sau.

Sau hơn một năm đánh giá thì các nhà khoa học cho rằng, tuy học sinh ít bị bệnh nặng vì COVID-19 nhưng do thời gian ở nhà quá lâu, ít tương tác với thế giới bên ngoài nên rất nhiều học sinh bị ảnh hưởng tâm lý cũng như sự phát triển chung.

Trong năm học này, do lượng người tiêm chủng đã tăng, trẻ em từ 12 tuổi trở lên cũng bắt đầu được tiêm chủng nên Chính phủ Đức đã quyết định sẽ không cho học sinh nghỉ học dù số lượng nhiễm có tăng lên. Các trường học sẽ làm test 2 đến 3 lần hàng tuần cho học sinh. Học sinh sẽ được lấy mẫu bằng ngậm que lấy mẫu trong miệng, mỗi lần lấy mẫu thì lấy 2 que. Trước tiên một mẫu gộp chung cả lớp sẽ được test bằng PCR, nếu lớp nào có dương tính thì sẽ chạy mẫu riêng lẻ từng học sinh để xác định học sinh bị nhiễm, học sinh dương tính sẽ được cho nghỉ ở nhà cho đến khi hết COVID-19.

Theo tôi, trường học cũng là nơi rất dễ lây nhiễm cho nên các địa phương ở Việt Nam cần xem xét tình hình lây nhiễm và nguồn lực tại địa phương mình để có quyết định phù hợp. Nếu quyết định cho học sinh đi học thì cần phải các các biện pháp phòng tránh tốt như đeo khẩu trang và test hàng tuần.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Quyên